Thoái hóa đốt sống lưng – Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp điều trị

Đốt sống thắt lưng là chuỗi các đốt sống xếp lại nối liền với nhau. Các đốt sống thắt lưng nằm ở giữa lồng xương sườn và xương chậu có chức năng chống đỡ sức nặng của toàn cơ thể và chuyển động nhiều. Do đó tình trạng thoái hóa đốt sống lưng là tình trạng rất dễ bắt gặp và gây nhiều khó khăn cho người bệnh. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị thoái hóa đốt sống lưng.   

Thoái hóa đốt sống lưng là gì?

Thoái hóa đốt sống lưng là một bệnh lý xương khớp có diễn biến chậm và khó nhận biết khi ở giai đoạn đầu của bệnh. Bệnh gây ra những cơn đau âm ỉ cho người bệnh, nhưng về sau cấp độ đau tăng dần khiến người bệnh khó chịu và có thể giảm khả năng vận động của người bệnh.

  thoat hoa dot song lung

Thoái hóa đốt sống lưng có thể gây hạn chế vận động ở người bệnh

Khi phần cột sống thắt lưng có dấu hiệu bị đau hay thoái hóa thì tình trạng này có thể diễn ra ở sụn khớp và đĩa đệm ở các đốt sống thắt lưng bị hư tổn. Ngoài ra,cũng có thể là do phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch bị thay đổi về cấu trúc do mất nước hoặc lão hóa. Hay có thể diễn ra ở tất cả những cấu trúc cấu tạo nên đốt sống lưng gây nên tình trạng thoái hóa cột sống lưng.

Nguyên nhân bị thoái hóa đốt sống lưng

Quá trình lão hóa

Nguyên nhân hàng đầu khiến cột sống thắt lưng bị thoái hóa là bởi quá trình lão hóa tự nhiên diễn ra trong cơ thể. Theo thời gian, khi độ tuổi tăng lên thì các cấu trúc và chức năng của xương khớp có xu hướng suy giảm, khả năng hồi phục không còn diễn ra mạnh mẽ nữa, những tổn thương trên các cấu trúc của đốt sống lưng không thể hồi phục như lúc ban đầu. Đây là nguyên nhân hàng đầu và không thể thay đổi được trong bệnh lý thoái hóa đốt sống cổ. 

Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thoái hóa đốt sống lưng ở người già. Theo thống kê từ Viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ cho biết, khoảng hơn 80% người trên 60 tuổi mắc phải tình trạng thoái hóa cột sống lưng. Với nguyên nhân này bệnh diễn tiến nhanh hay chậm phụ thuộc vào lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống của mỗi người.

Cân nặng

Người thừa cân, béo phì cũng là đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống cao do trọng lượng cơ thể lớn tạo áp lực mạnh lên hệ thống các đốt sống lưng khiến sụn khớp, đĩa đệm và xương dưới sụn bị tổn thương.

Tính chất công việc

Với những người làm công việc văn phòng hay tài xế lái xe ô tô phải ngồi tại chỗ làm việc, lái xe trong thời gian dài, ít có thời gian vận động và ít có thời gian nghỉ ngơi tạo áp lực lên phần thắt lưng và xương cùng. Hay những người làm công việc bốc vác, người thường xuyên mang vác nặng, hoạt động thể lực mạnh sai tư thế cũng khiến cột sống mất đi đường cong sinh lý.

Thoái hóa cột sống do chấn thương

Các chấn thương trong quá trình sinh hoạt, vận động hay tập luyện thể dục thể thao quá sức, té ngã do tai nạn khiến cột sống bị chấn thương và nếu không được điều trị dứt điểm, có thể khiến cột sống bị thoái hóa.

Chế độ ăn uống không khoa học

Thoái hóa đốt sống lưng không thể ngăn ngừa nhưng tiến triển bệnh nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống và chất lượng cuộc sống. Chế độ dinh dưỡng thiếu các vitamin, Canxi, Magie, Collagen tuýp II hay Glucosamine khiến cột sống dễ tổn thương tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp. Ngoài ra việc ăn uống nhiều thực phẩm là thức ăn nhanh, chứa nhiều dầu mỡ hoặc lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cột sống không khỏe mạnh.

che do an uong phu hop

Chế độ ăn uống khoa học giúp làm chậm tiến triển thoái hóa đốt sống lưng

Nếu tuổi tác là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thoái hóa đốt sống lưng ở người già thì tình trạng thoái hóa đốt sống lưng ở người trẻ chủ yếu do đặc thù công việc, chế độ ăn uống không khoa học, hay các tai nạn xảy ra trong công việc, tập luyện thể thao hay khi tham gia giao thông. Và tỷ lệ người trẻ bị thoái hóa đốt sống lưng đang ngày càng tăng lên và phổ biến hơn. Gây ra nhiều khó khăn và áp lực cho chính bản thân người trẻ và xã hội ngày nay.

Dấu hiệu thoái hóa cột sống

Đau nhức vùng lưng

Là triệu chứng phổ biến nhất ở những người bệnh thoái hóa đốt sống lưng.Tuy nhiên đặc điểm của cơn đau cũng như tần suất và cường độ đau nhức phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển và tình trạng bệnh.

Ở giai đoạn sớm: xuất hiện cơn đau thắt lưng khu trú âm ỉ, kéo dài trong nhiều tuần. Hay những cơn đau nhói khiến bệnh nhân quặn vùng lưng.. Khi tình trạng thoái hóa đốt sống lưng ở giai đoạn này hay chỉ mới bắt đầu thì những cơn đau này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh vì các cơn đau sẽ biến mất khi người bệnh nghỉ ngơi hay giảm hoạt động nặng. Người bệnh chỉ cảm thấy cơn đau là thoáng qua và không chú ý nhiều đến các tổn thương ở cột sống

Ở giai đoạn muộn: tần suất xuất hiện các cơn đau nhiều hơn, thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. Đặc biệt các cơn đau sẽ trở nên nặng hơn khi thời tiết thay đổi thất thường hoặc khi người bệnh gắng sức để làm việc, khi vận động hay thực hiện tư thế cong, xoay người hoặc nâng vác đồ vật. Đặc biệt khi những cơn đau xuất hiện liên tục có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bệnh nhân như bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ hay bệnh nhân bị thức giấc lúc nửa đêm vì đau đớn. Mất ngủ dẫn đến sự căng thẳng, bực bội và mệt mỏi trên bệnh nhân.

Các cơn đau đầu tiên chỉ mới xuất hiện ở vùng thắt lưng và xung quanh. Nhưng khi tình trạng chuyển biến nghiêm trọng, thoái hóa đốt sống ở giai đoạn nặng thì các cơn đau ở lưng có thể lan xuống chân, gây tê liệt và mất thăng bằng khi di chuyển.

Cứng cột sống (buổi sáng)

Khi người bệnh mới thức dậy vào buổi sáng, cảm thấy khó vận động vùng thắt lưng như khó xoay người sang 2 bên hay cúi người xuống trước, ngửa người ra phía sau. Đặc biệt có thể nghe được âm thanh lục khục khi cố gắng cử động cột sống, thường đi kèm các cơn đau nhẹ và thoáng qua.

Tê bì chân

Triệu chứng này rất dễ gặp khi người bệnh bị thoái hóa cột sống lưng ở giai đoạn muộn. Người bệnh cảm thấy tê bì và cảm giác châm chích ở cả 2 chân. Triệu chứng gây khó khăn trong hoạt động thường ngày của người bệnh. Ở mức độ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới dây thần kinh cột sống hoặc tủy sống.

Vận động hạn chế

Khi diễn biến bệnh trở nên nặng thoái hóa cột sống thắt lưng gây ra những chèn ép lên dây thần kinh vận động. Làm bệnh nhân khó khăn trong việc vận động như trong sinh hoạt đi lại hằng ngày. Bệnh nhân cảm thấy khó chịu và trở nên lười vận động hơn. Khi tình trạng này diễn ra lâu ngày gây ra những tổn thương vĩnh viễn ở chi dưới. Người bệnh có thể bị yếu cơ, bại liệt.

thoai hoa dot song lung gay kho khan trong di chuyen

Thoái hóa đốt sống lưng khiến những vận động của người bệnh bị hạn chế

Mất kiểm soát

Thoái hóa đốt sống lưng gây mất kiểm soát một số cơ quan nội tạng như bàng quang hoặc ruột, kèm theo cơn đau co thắt cơ bắp

Thoái hóa cột sống gây chèn dây thần kinh và gây đau chân

Trong thoái hóa đốt sống lưng khi phần cột sống bị tổn thương lệch khỏi vị trí ban đầu vì viêm, sưng phù ra gây chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh cột sống. Khi dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa, mất đi chức năng truyền dẫn điện tích khiến sợi thần kinh chết tạo nên các cơn đau dữ dội cho người bệnh, làm rối loạn hoạt động của các chi và cơ quan nội tạng trong cơ thể.

Ngoài nguyên nhân do viêm thì khi tình trạng thoái hóa cột sống ở giai đoạn nặng có thể sẽ xuất hiện những gai xương thân đốt sống chèn ép vào lỗ liên hợp đốt sống. Bên cạnh việc xuất hiện gai xương ở thân đốt sống, đĩa đệm cũng bị thoái hóa và nguy cơ phình, thoát vị đĩa đệm sẽ dẫn tới chèn ép rễ dây thần kinh (biểu hiện đau dây thần kinh tọa).

Thoái hóa cột sống chèn ép dây thần kinh lưng là tình trạng nguy hiểm sẽ làm hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Các cơn đau nhức dữ dội xuất hiện thường xuyên, lan rộng từ thắt lưng xuống hông rồi đến hai chân khiến đau nhức chân, việc di chuyển trở nên khó khăn. Người bệnh khó đi lại và làm việc được. Nếu không được phát hiện và kịp thời điều trị người bệnh còn có nguy cơ bại liệt nửa chân dưới hoặc teo cơ hai chân.

Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa cột sống

Dù ở giai đoạn sớm hay muộn, ở mức độ nhẹ hay nặng thì thoái hóa đốt sống đều gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mặt khác nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì thoái hóa đốt sống lưng có thể gây ra nhiều biến chứng và để lại hậu quả vĩnh viễn cho người bệnh như bại liệt, teo cơ,..Chính vì vậy ở mỗi giai đoạn cần có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Tùy theo tình trạng sức khỏe, triệu chứng và giai đoạn bệnh mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp điều trị được tiến hành theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo sự phù hợp với sức khỏe.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là biện pháp không dùng thuốc, hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống ở tất cả các giai đoạn, cũng như phòng ngừa tiến triển của thoái hóa cột sống. Với các bài tập giúp kéo giãn cột sống một cách tự nhiên, thúc đẩy phục hồi các tổn thương ở đốt sống. Quá trình tập luyện tác động một lực vừa phải lên các đốt sống lưng giúp tăng lưu thông tuần hoàn máu qua vị trí này. Kích thích quá trình tái tạo sụn khớp mới, tăng lưu thông dịch khớp tới các cấu trúc đầu sụn, đầu xương, đồng thời hệ thống các đốt sống, các khớp cũng trở nên linh hoạt và dẻo dai.

Tuy nhiên người bệnh cần lựa chọn các bài tập có cường độ vừa phải, phù hợp tình trạng sức khỏe và tập luyện đúng thao tác. Tránh những bài tập nặng và thao tác tập luyện không đúng kỹ thuật có thể tạo thêm áp lực lên cột sống, bệnh có thể tiến triển nặng hơn ban đầu. Quá trình tập luyện có thể nhờ người thân hỗ trợ hoặc sự tư vấn của bác sĩ lựa chọn bài tập và theo dõi quá trình tập luyện.

Các phương pháp phổ biến và hữu ích cho bệnh nhân thoái hóa đốt sống như:  massage, xoa bóp, kéo giãn cột sống, chườm nóng hoặc chườm lạnh, châm cứu, điều trị nhiệt: hồng ngoại, …

vat ly tri lieu thoai hoa dot song lung

Vật lý trị liệu – phương pháp điều trị không dùng thuốc tốt cho người bệnh

Sử dụng thuốc để điều trị

Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol sử dụng cho bệnh nhân khi có các cơn đau  nhẹ và trung bình.

Thuốc chống viêm không steroid: Ibuprofen và naproxen natri, meloxicam,..

Thuốc giãn cơ: như eperisone, tolperisone.

Thuốc điều trị chống thoái hóa tác dụng chậm – kéo dài:  Glucosamine Sulfate

Tiêm corticoid tại chỗ: Tiêm ngoài màng cứng, tiêm cạnh cột sống, tiêm khớp liên mấu giúp giảm đau tích cực. Việc tiêm corticoid cần được thực hiện bởi các bác sĩ và người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ sau khi tiêm.

Bởi tác dụng giảm đau nhanh giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn nên việc sử dụng thuốc là phổ biến trong điều trị thoái hóa đốt sống lưng. Đặc biệt người bệnh cũng có thể dùng thuốc mỡ hoặc kem bôi để xoa bóp tại khu vực cột sống lưng. Các loại kem bôi ngoài da cũng có tác dụng hiệu quả trong việc giảm đau từ thoái hóa cột sống lưng.

Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc này trong điều trị thoái hóa đốt sống lưng chỉ cho hiệu quả điều trị tạm thời, không có tác dụng điều trị tận gốc nguyên nhân gây đau. Sau khi ngưng thuốc thì cơn đau sẽ quay trở lại và các cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn trước đây. Chính vì vậy người bệnh không nên tự ý mua hay lạm dụng việc sử dụng các loại thuốc để cắt cơn đau. Tuyệt đối tuân theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ hay chuyên gia trong thời gian và liều lượng sử dụng thuốc. Không được tự ý tăng liều sử dụng trong thời gian dài nhằm tránh những tác dụng phụ xảy ra cho bệnh nhân như nguy cơ loét dạ dày, chảy máu dạ dày, suy giảm chức năng gan và thận,…

Điều trị ngoại khoa

Thuốc hoặc điều trị không dùng thuốc chỉ có tác dụng với bệnh thoái hóa cột sống ở giai đoạn nhẹ và trung bình. Khi việc sử dụng thuốc và tập vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả điều trị tích cực, hoặc diễn tiến của bệnh nhanh hơn và chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng nguy hiểm đến bệnh nhân  thì cần các phương pháp điều trị ngoại khoa phù hợp cho bệnh nhân.

Ngoài ra, phương pháp điều trị ngoại khoa thường áp dụng cho các trường hợp như khi thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, hẹp ống sống với các dấu hiệu thần kinh tiến triển nặng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Thoái hóa đốt sống lưng là tình trạng rất dễ gặp phải hiện nay dù vì bất kì nguyên nhân nào, cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy duy trì một lối sống lành mạnh với chế độ ăn và tập luyện thể dục thể thao đều đặn để giúp cho cột sống luôn khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, lạc quan giúp đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường, đau nhức vùng thắt lưng cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả và biến chứng để lại về sau.

Hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Nhà thuốc Việt nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến thoái hóa đốt sống lưng cần giải đáp, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn những thông tin đúng và phù hợp nhất.

Xem thêm:

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageChange Image