Sâm dây Ngọc Linh: Đặc điểm, thành phần và đối tượng sử dụng

Bài viết được thực hiện bởi

Dược sĩ Nguyễn Tiến Dũng

Trong khu vực núi Ngọc Linh tại khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, có rất nhiều loại dược liệu quý giá. Bên cạnh bảo vật quý giá của Việt Nam – Sâm Ngọc Linh, thì Sâm dây Ngọc Linh cũng là một dược liệu có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

Vậy đặc điểm của Sâm dây Ngọc Linh là gì? Sâm dây Ngọc Linh có chứa những thành phần hoá học nào mà có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như vậy? Đối tượng sử dụng của Sâm dây Ngọc Linh là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của Nhà thuốc Việt nhé!

I/ Vậy Sâm dây Ngọc Linh là loại dược liệu như thế nào?

Hình ảnh Sâm dây Ngọc Linh

Trong Y học Cổ truyền, Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) thường được dùng thay thế cho Nhân sâm vì có giá thành rẻ hơn, do đó Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) còn được gọi là Nhân sâm của người nghèo vì cả Đẳng sâm và Nhân sâm đều có tác dụng bổ khí Các bài thuốc Đông y có thể dùng Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) thay thế cho Nhân sâm là Thập toàn đại bổ thang và Tứ trân thang.

Tuy nhiên, khi dùng Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) thay thế cho Nhân sâm trong bài thuốc, thì sẽ cần hiệu chỉnh liều lượng, cũng như cân nhắc chỉ thay thế một phần hay hoàn toàn. Bởi, có nhiều trường hợp Đẳng sâm không thể thay thế cho Nhân sâm do tác dụng bổ khí của 2 dược liệu này tương đối khác nhau: Đẳng sâm có tác dụng Bổ trung ích khí, còn Nhân sâm có tác dụng Bổ tỳ vị và nguyên khí.

II/ Vùng địa lý phân bố và chu kỳ sinh trưởng của Sâm dây Ngọc Linh

1) Vùng địa lý phân bố của Sâm dây Ngọc Linh

Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) là loại dược liệu mọc ở nhiều khu vực thuộc vùng Đông Bắc Á, chủ yếu là tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, từ năm 1961, Viện Dược liệu Trung ương đã đi thực địa và phát hiện được Đẳng sâm mọc tự nhiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn), cũng như ở một số tỉnh vùng Tây Nguyên (như Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai).

Tại các khu vực này, Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) thường mọc trong các cánh rừng thưa, dưới các cây to rậm rạp.

>>> Xem thêm bài viết liên quan: Sâm Ngọc Linh

Vùng núi Ngọc Linh – Quê hương của Sâm dây Ngọc Linh

2) Chu kỳ sinh trưởng của Sâm dây Ngọc Linh

Sâm dây Ngọc Linh có thể trồng từ nguồn ươm bằng hạt, hoặc ươm từ cây. Trong hai phương pháp thì phương pháp ươm bằng hạt cho cây giống tốt nhưng mất nhiều thời gian. Do đó bà con thường lấy giống từ cây nên phương pháp sẽ đơn giản và thuận tiện hơn.

Trước khi trồng cần đào gốc, dọn cỏ và lên luống trước cho thoáng khí. Cho đến nay, Sâm dây Ngọc Linh chủ yếu được trồng theo lối tự nhiên nên không phải bón phân, mà chỉ cần làm cỏ kết hợp xới đất vài ba lần là cây sẽ phát triển tốt.

Mỗi năm, Sâm dây Ngọc Linh trồng được một vụ. Thời điểm xuống giống thích hợp là đầu mùa mưa (cuối tháng 5, đầu tháng 6). Vì vậy, sau khi thu hoạch Sâm dây Ngọc Linh vào cuối mùa khô năm trước, thì đầu năm sau, bà con nên chọn trước cây giống để đến khi có mưa xuống sẽ trồng là hợp lý.

Thu hoạch Sâm dây Ngọc Linh

III/ Các đặc điểm hình thái bên ngoài của Sâm dây Ngọc Linh

Dưới đây Nhà thuốc Việt xin giới thiệu cho các bạn sơ lược về các đặc điểm hình thái bên ngoài của cây Sâm dây Ngọc Linh.

1) Đặc điểm thân cây Sâm dây Ngọc Linh

Sâm dây Ngọc Linh là loài cây thân thảo, thân leo nhỏ, sống lâu năm. Cây Sâm dây Ngọc Linh có đặc điểm là leo bằng dây quấn. Thân cây Sâm dây Ngọc Linh có dạng hình trụ, một số chỗ có thể bị biến dạng do bám vào giá thể hoặc cây khác, phần thân có màu xanh lục nhạt hoặc xanh pha tím. Thân cây Sâm dây Ngọc Linh có đường kính trong khoảng từ 1,5 đến 3mm. Thân non thường có lông, sau khi trưởng thành thì thân nhẵn hơn. Toàn cây Sâm dây Ngọc Linh có chứa mủ trắng.

2) Đặc điểm rễ cây Sâm dây Ngọc Linh

Cây Sâm dây Ngọc Linh có rễ thuộc dạng rễ củ, rễ có dạng hình trụ dài, mọc thẳng trong đất, kích thước thay đổi theo tuổi cây, nơi sống và điều kiện thổ nhưỡng. Đường kính của rễ Sâm dây Ngọc Linh có thể đạt tới 1,5 đến 3 cm, rễ có dạng phân nhánh. Đầu rễ cây Sâm dây Ngọc Linh. Phần cổ rễ cây Sâm dây Ngọc Linh có dạng phình to, rễ nạc, có nhiều vết sẹo lồi do các phần thân hàng năm rụng đi để lại. Bên ngoài phần rễ có màu trắng ngà, phần lõi gỗ bên trong có màu vàng. Khi cắt ngang hay cắt dọc, rễ củ có màu vàng nhạt, mùi thơm, vị hơi ngọt, có thể phân biệt được hai phần: phần bên ngoài (nhu mô vỏ) có màu vàng nhạt, chiếm thể tích chủ yếu của rễ, chứa nhiều nhựa mủ phần lõi nằm ở giữa của rễ (trung trụ) có màu vàng nâu, thể tích nhỏ hơn, chứa rất ít nhựa mủ.

3) Đặc điểm lá cây Sâm dây Ngọc Linh

Lá cây Sâm dây Ngọc Linh chủ yếu mọc đối, ít mọc so le. Gốc lá có hình tim hoặc hình thận, lá có đầu nhọn, phiến lá mỏng, hình trứng rộng. Lá cây Sâm dây Ngọc Linh dài từ 3 đến 8 cm, rộng từ 2 đến 4 cm, mép lá là dạng nguyên lượn sóng hoặc hơi khía răng. Lá cây Sâm Ngọc Linh có mặt trên màu lục nhạt, mặt dưới màu trắng xám, lá thường có bề mặt nhẵn hoặc có lông rải rác.

Lá và hoa Sâm dây Ngọc Linh

4) Đặc điểm hoa cây Sâm dây Ngọc Linh

Mùa ra hoa của Đảng sâm từ tháng 6 – 10, rộ nhất vào tháng 9 hàng năm. Hoa Sâm dây Ngọc Linh mọc riêng lẻ ở kẽ lá hoặc đối diện với lá ở phần ngọn, có cuống dài 2 – 6 cm. Phần đài hoa Sâm dây Ngọc Linh có 5 phiến hẹp, tràng hình chuông màu trắng hoặc hơi vàng, có vân tím ở họng, chia 5 thùy. Hoa Sâm dây Ngọc Linh có 5 nhị, chỉ nhị hơi dẹt, bao phấn đính gốc, bầu hình cầu có 5 ô.

5) Đặc điểm quả và hạt Sâm dây Ngọc Linh

Sau khi hoa thụ phấn là quá trình phát triển quả. Quả Sâm dây Ngọc Linh đạt được kích thước trưởng thành sau khoảng 1,5 – 2 tháng tuổi (vào khoảng tháng 10-11 hàng năm), Đến cuối tháng 11 quả bắt đầu chín. Quả nang, hình cầu, đường kính 1-2 cm, có 5 cạnh mờ, đầu bẹt, phía trên có một núm nhỏ hình nón (hình 3). Khi quả chín, vỏ quả chuyển từ màu xanh nhạt sang màu tím đen mang đài hoa tồn tại. Quả chín tồn tại trên cây khoảng từ 20-30 ngày, nếu thời tiết ít mưa có thể lâu hơn.

Hạt Sâm dây Ngọc Linh nhỏ, nhiều, có màu vàng nâu, bề mặt bóng, có vân dạng lưới.

IV/ Bộ phận dùng làm thuốc của Sâm dây Ngọc Linh.

Bộ phận dùng làm thuốc của Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm, Hồng đẳng sâm) là phần rễ đã được phơi hoặc sấy khô. Rễ cây được thu hái vào mùa đông, sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch với nước và bàn chải để loại bỏ đất cát. Sau đó, ta cắt bỏ đầu rễ và rễ con, rồi phân loại rễ theo kích thước to nhỏ rồi để riêng. Tiến hành đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ cho đến khi khô hẳn. Khi dùng, ta có thể thái mỏng và sơ chế tẩm với nước gừng hoặc sao qua.

Cần lưu ý là sâm dây Ngọc Linh dễ bị sâu mọt, do đó cần được bảo quản ở nơi khô ráo.

Hình ảnh rễ Sâm dây Ngọc Linh phơi khô

V/ Thành phần hoá học và công dụng của Sâm dây Ngọc Linh

1) Thành phần hoá học của Sâm dây Ngọc Linh

Các Quý Độc giả của chúng tôi chắc hẳn rất muốn biết rằng: Tại sao Sâm dây Ngọc Linh mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khoẻ như vậy?

Hiện nay, có rất ít công trình nghiên cứu về thành phần hóa học của Sâm dây Ngọc Linh. Theo các nghiên cứu sơ bộ, trong lá cây Sâm dây Ngọc Linh non chứa Nước, Chất đạm (Protein), Chất đường bột (Carbohydrat), Chất xơ, Các hợp chất Caroten và Vitamin C. Trong các nghiên cứu sơ bộ, cũng cho thấy trong rễ cây Sâm dây Ngọc Linh có chứa các Hợp chất Saccharid, Chất béo và không có các Hợp chất Saponin. Ngoài ra còn có các Tinh dầu, Glucosid Sentellarin và một số Hợp chất Alkaloid.

Theo tài liệu Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, trong rễ cây Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) không chứa thành phần là các hợp chất Saponin. Ở Việt Nam, theo các nghiên cứu về Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) thu hái ở Sapa, đã phát hiện cây Sâm dây Ngọc Linh có chứa Hợp chất Saponin, Các hợp chất Saccharid dạng khử và 17 Axit amin toàn phần; 6 Chất khoáng Ca, Fe, Mg, Cu, Mn, Zn, một Hợp chất Sesquiterpen là 8-β-hydroxyasterolid; một Dẫn xuất Glycosid của Stigmasta-7,25-dien-3-ol.

Một số thành phần hoá học có trong Sâm dây Ngọc Linh

Nghiên cứu của tác giả Trần Thanh Hà cho thấy, trong rễ cây Sâm dây Ngọc Linh có chứa Ampelopsin, β-D-fructopyranosyl (2→1) β-D-fructofuranosyl (2→1) β-D-fructofuranose, Henicosyl Trimethylsilan, Galactitol, 2-(methoxymethyl)-3-(3,4- dimethoxyphenyl) Propanal, Axit 3,4,5-trihydroxy cyclohexen carboxylic, 2’- hydroxy-N-((E,2R)-1,3,4-trihydroxy octadec-8-en-2yl) hexacosanamid, α-spinasterol 3-O- β-D-glucopyranosid, đây đều là những hợp chất lần đầu tiên được công bố phân lập. Ngoài ra còn có Hesperidin, Adenosin, β-D-fructofuranose (2→1) β-D-fructofuranose (2→1) β-D-fructofuranose (2→1) α-D-glucopyranose (4←1) α-L-(6- acetyl-rhamnopyranose).

2) Công dụng của Sâm dây Ngọc Linh

Rễ Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ, kiện vị, ích khí, sinh tân dịch, giải khát. Rễ Sâm dây Ngọc Linh được dùng chữa tỳ vị suy kém, phế khí hụt nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, mệt mỏi, khát nước, ốm lâu cơ thể suy nhược, lòi dom, sa tử cung, băng huyết, rong huyết, thiếu máu, vàng da, tăng bạch cầu, viêm thận, nước tiểu có albumin, chân phù đau. Ngoài ra, rễ cây Sâm dây Ngọc Linh còn được dùng làm thuốc bổ dạ dày, lợi tiểu, chữa ho, tiêu đờm.

Chưa có nhiều nghiên cứu về việc sử dụng Sâm dây Ngọc Linh trong việc điều trị bệnh đái tháo đường.

VI/ Các đối tượng nên sử dụng Sâm dây Ngọc Linh. Lưu ý khi dùng Sâm dây Ngọc Linh

1) Đối tượng nên sử dụng Sâm dây Ngọc Linh

Dưới đây là một số đối tượng nên sử dụng Sâm dây Ngọc Linh:

– Người mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Người suy nhược cơ thể, chán ăn, ăn không ngon miệng.

– Bệnh nhân sau quá trình điều trị, người mới ốm dậy, người cần phục hồi sức khoẻ.

– Người cao tuổi cần hồi phục sức khỏe.

– Người làm việc trong môi trường căng thẳng, mệt mỏi.

2) Lưu ý khi dùng Sâm dây Ngọc Linh

Sâm dây Ngọc Linh là một loại dược liệu quý mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khoẻ con người. Tuy nhiên, bạn cần thận trong khi sử dụng để mang lại hiệu quả cao nhất khi sử dụng.

– Sâm dây Ngọc Linh không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

– Tác dụng của sâm dây Ngọc Linh là khác nhau trên từng đối tượng khác nhau. Để được tư vấn cụ thể, bạn có thể liên hệ trực tiếp với các Dược sĩ Tư vấn của chúng tôi.

– Không sử dụng sâm dây Ngọc Linh chung với hải sản và củ cải.

– Người bị cao huyết áp, người mắc các bệnh đường tiêu hoá, phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng Sâm dây Ngọc Linh.

VII/ Các cách chế biến Sâm dây Ngọc Linh phổ biến nhất

Sâm dây Ngọc Linh có vị hơi đắng, nên khi dùng bạn có thể cho thêm đường hoặc chế biến thêm cho dễ sử dụng. Dưới đây là một số cách chế biến Sâm dây Ngọc Linh phổ biến nhất:

– Pha trà sâm dây Ngọc Linh: Ta có thể pha trà sâm dây Ngọc Linh bằng cách hãm các lát sâm dây Ngọc Linh với nước ấm, hoặc sử dụng các gói trà túi lọc để pha. Đây là một cách lý tưởng nhằm tăng cường sức khỏe cho bạn hàng ngày.

– Sâm dây Ngọc Linh ngâm mật ong: Giúp phối hợp ưu điểm của cả hai loại dược liệu quý là sâm dây Ngọc Linh và mật ong rừng, cũng như giúp việc sử dụng sâm dây Ngọc Linh được thuận tiện hơn.

– Cháo sâm dây Ngọc Linh: Đây là cách sử dụng sâm dây Ngọc Linh phù hợp cho đối tượng người lớn tuổi, sức khoẻ yếu, khó nhai hoặc nuốt. Thông qua việc nấu cháo, sâm dây Ngọc Linh sẽ mềm và dễ nuốt hơn.

– Ngâm rượu sâm dây Ngọc Linh: Giúp lấy được toàn bộ hoạt chất của sâm dây Ngọc Linh. Tuy nhiên, có nhiều đối tượng không sử dụng được rượu sâm dây Ngọc Linh, nên bạn cần phải cân nhắc kỹ trước khi dùng.

– Mứt sâm dây Ngọc Linh: Mứt sâm dây Ngọc Linh là một sản phẩm thường được sản xuất trong dịp Lễ, Tết, là một sản phẩm thường được dùng làm quà biếu, có ý nghĩa to lớn.

Cao sâm dây Ngọc Linh.

Nước cốt sâm dây Ngọc Linh.

VIII/ Giá bán của Sâm dây Ngọc Linh

Giá sâm dây Ngọc Linh sẽ biến đổi tùy theo mùa. Tuy nhiên, thông thường thì mức giá sâm dây Ngọc Linh tươi sẽ nằm trong khoảng từ 130 ngàn đến 160 ngàn/ 1kg. Giá sâm dây Ngọc Linh khô vào khoảng 650 ngàn/ 1kg. Đây là giá tham khảo, có nhiều nơi sẽ bán với giá cao và một số nơi có thể sẽ bán với mức giá thấp hơn.

IX/ Kết luận

Trên đây, chúng tôi đã thông tin đầy đủ những điều cần biết cho bạn về các khía cạnh của Sâm dây Ngọc Linh (hay còn gọi là Đẳng sâm), đặc biệt là về đặc điểm, thành phần và các đối tượng nên sử dụng Sâm dây Ngọc Linh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, các bạn có thể liên hệ trực tiếp với các Dược sĩ tư vấn của Nhà thuốc Việt để hiểu rõ hơn.

Thân ái chào tạm biệt, và hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sau!

———————————————-

Tài liệu tham khảo:

[1] Đỗ Tất Lợi (2000), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.

[2] Viện Dược Liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Vol. 1.

[3] Trần Thanh Hà, Hà Vân Oanh và Đỗ Thị Hà (2016), Thành phần hóa học của phân đoạn chiết bằng n-butanol rễ loài đảng sâm Việt Nam (Codonopsis javanica (Blume) Hook.f), Tạp chí Dược học, 56(4).

[4] Trần Thanh Hà, Nguyễn Minh Khởi, Nguyễn Thị Hà và các cộng sự (2014), Thành phần hóa học của rễ đảng sâm, Tạp chí Dược Liệu, 19, tr. 211-215.

[5] Jing-Yu He, Na Ma, Shu Zhu và các cộng sự (2015), The genus Codonopsis (Campanulaceae): a review of phytochemistry, bioactivity and quality control, Journal of natural medicines, 69(1), tr. 1-21.

———————————————-

Hệ thống Nhà thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành vì sức khỏe của bạn và gia đình!

• Website: https://nhathuocviet.vn

• Hotline/Zalo: 0985508450

• Fanpage: https://fb.com/hethongnhathuocviet

• Địa chỉ chi nhánh 1: Số 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, TP HCM

• Địa chỉ chi nhánh 2: Số 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP HCM

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi