Gai cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại

Gai cột sống hay gai đốt sống là một bệnh lý thường gặp, có thể gây nhiều phiền toái nếu không được phát hiện và quản lý đúng cách. Đây là một trong số những “kẻ thù” thầm lặng thường nhắm đến những người trung niên và cao tuổi gây đau nhức, khó chịu dai dẳng.Trong bài viết này, Nhà Thuốc Việt sẽ mang đến cho bạn những kiến thức cần thiết về gai cột sống, từ nguyên nhân, triệu chứng đến các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Gai cột sống là gì?

Gai cột sống (Spine osteophytes/ Spine bone spurs) là những mảnh xương nhỏ mọc từ đốt sống và tiến triển nhô dần ra ngoài. Các gai xương này thường mọc dọc theo mép của các mặt khớp nơi các đốt sống gặp nhau hoặc ngay trên thân sống. Chúng có thể phát triển ở bất kỳ mức nào của cột sống – ở cổ, lưng giữa hoặc lưng dưới.

Gai xương cột sống hình thành khi cơ thể cố gắng tự chữa lành bằng cách thêm xương vào khu vực bị tổn thương. Chúng thường phát triển chậm để phản ứng với áp lực và ma sát theo thời gian. Mặc dù nhiều người nghĩ rằng gai xương cột sống gồ ghề và sắc nhọn, gai xương ở lưng và cổ thực tế lại khá mịn và thường không gây ra triệu chứng gì; chỉ khi gai chèn ép vào một cấu trúc lân cận thì mới bắt đầu gây ra vấn đề.

Chính vì gai xương thường không gây ra triệu chứng nên trong nhiều trường hợp, chúng chỉ được phát hiện trong các xét nghiệm hình ảnh, đặc biệt là ở những người trên 50 tuổi. Nhiều bệnh nhân được thông báo rằng họ có gai xương ở lưng hoặc cổ, với hàm ý rằng gai xương là nguyên nhân gây đau lưng của họ. Tuy nhiên cần lưu ý là mặc dù bệnh gai xương cột sống có thể gây đau, nhưng nhiều trường hợp không gây đau và điều quan trọng là phải nhận được chẩn đoán lâm sàng chính xác về nguyên nhân gây đau để lập kế hoạch điều trị hiệu quả.

Các mảnh xương nhỏ mọc ra từ đốt sống trong gai cột sống

Các mảnh xương nhỏ mọc ra từ đốt sống trong gai cột sống

Nguyên nhân gai cột sống

Nguyên nhân gai cột sống phổ biến nhất là do bệnh thoái hóa khớp. Đây là một tình trạng liên quan đến tuổi tác, trong đó sụn trong các khớp ở đầu mỗi xương dần dần bị mòn đi. Các nguyên nhân phổ biến của thoái hóa khớp bao gồm:

  • Các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc áp lực thường xuyên trên cột sống gây ra mòn hoặc rách sụn giữa các đĩa đệm.
  • Sự dày lên và vôi hóa của các dây chằng.

Một số tình trạng phổ biến khác làm tăng khả năng hình thành gai xương cột sống:

  • Gãy đốt sống: Gai xương ở lưng hoặc cổ thường hình thành sau khi bị gãy đốt sống. Gãy đốt sống có thể do một sự kiện hoặc chấn thương nghiêm trọng gây ra hoặc đôi khi do các vi chấn thương tích tụ, hậu quả khi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại trong một số công việc như nâng nhấc vật nặng.
  • Viêm khớp cột sống: Gai xương cột sống thường hình thành do viêm mãn tính, có thể phát triển trong các khu vực nơi sụn đã bị mòn do các bệnh lý gây viêm khớp cột sống.
  • Hẹp ống sống: Đây là tình trạng trong đó các lỗ mở của ống sống trở nên hẹp lại, dẫn đến tăng ma sát và viêm nhiễm, có thể gây ra gai xương hình thành.
  • Lão hóa: Khi các đĩa đệm liên sống mòn đi theo tuổi tác và trở nên mỏng hơn, cột sống trở nên dễ bị hình thành gai xương hơn.

Các nguyên nhân khác của gai cột sống bao gồm: nhiễm trùng (viêm xương tủy xương), thoái hóa đĩa đệm, bệnh Forestier (cứng dây chằng trong cột sống)…

Ai có nguy cơ mắc gai cột sống

Các yếu tố nguy cơ gây gai cột sống bao gồm: tuổi trên 45, có chấn thương trước đó ở cột sống, có thành viên trong gia đình bị gai xương, tư thế không đúng, dinh dưỡng kém, béo phì, các môn thể thao va chạm mạnh, các tình trạng như lupus hoặc gout, hoặc hẹp ống sống (hẹp cột sống).

Gai cột sống thường gặp ở càng lớn tuổi

Gai cột sống thường gặp ở càng lớn tuổi

Phân loại gai cột sống

Tùy theo vị trí mà gai xương mọc ra, người ta phân loại gai cột sống ra làm ba nhóm:

  • Gai cột sống cổ: Gai cột sống ở cổ có thể phát triển trên bất kỳ đốt sống cổ nào trong bảy đốt sống từ trên cùng đến đáy cổ.
  • Gai cột sống ngực: Gai cột sống ở lưng trên và lưng giữa có thể phát triển trên bất kỳ đốt sống nào trong mười hai đốt sống từ đáy cổ đến lưng giữa.
  • Gai cột sống thắt lưng: Gai cột sống ở lưng dưới có thể xuất hiện trên bất kỳ đốt sống nào từ vùng ngực đến xương cùng.

Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh gai cột sống

Khi gai xương phát triển và bắt đầu chèn ép dây thần kinh và mạch máu xung quanh, các dấu hiệu và triệu chứng của gai cột sống như tê, ngứa ran hoặc đau có thể bắt đầu xuất hiện. Khi tình trạng chèn ép dây thần kinh nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến yếu cơ và mất phối hợp động tác.

Một triệu chứng điển hình của gai cột sống là tê hoặc ngứa ran ở các chi. Vị trí của gai xương và dây thần kinh bị ảnh hưởng sẽ quyết định nơi bạn cảm thấy điều này. Ví dụ, một dây thần kinh bị ảnh hưởng ở cổ sẽ thường tạo ra các triệu chứng gai xương ở vai và các chi trên.

Các triệu chứng có thể gặp do gai cột sống bao gồm:

  • Đau cổ và cánh tay.
  • Đau lan ra vai và xuống cánh tay.
  • Tê hoặc ngứa ran ở cánh tay.
  • Khi tình trạng tiến triển, có thể bắt đầu thấy yếu cơ ở cánh tay.
  • Triệu chứng gai xương thắt lưng.
  • Đau lưng dưới.
  • Đau chân.
  • Tê hoặc ngứa ran ở chân.
  • Khi tình trạng tiến triển, có thể bắt đầu thấy yếu cơ ở chân.

Trong những trường hợp rất hiếm, chức năng ruột và bàng quang cũng có thể bị ảnh hưởng.

Gai cột sống có thể đè ép thần kinh khiến người bệnh đau đớn

Gai cột sống có thể đè ép thần kinh khiến người bệnh đau đớn

Chẩn đoán gai cột sống

Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Bạn có thể không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào khi có gai cột sống. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau ở cổ, lưng trên hoặc lưng dưới kéo dài hơn vài tuần hoặc bất ngờ đau dữ dội, bạn nên được thăm khám kỹ lưỡng bởi bác sĩ.

Khám và xét nghiệm để chẩn đoán gai cột sống

Để chẩn đoán gai cột sống, bác sĩ sẽ tiến hành một loạt câu hỏi để hiểu rõ hơn về tình trạng của bạn. Những câu hỏi này giúp xác định chính xác thời điểm, hoàn cảnh và cách mà cơn đau bắt đầu cũng như diễn biến của nó. Ví dụ, bác sĩ có thể hỏi:

  • Cơn đau của bạn bắt đầu khi nào?
  • Bạn đang làm gì khi lần đầu tiên nhận thấy cơn đau?
  • Cơn đau của bạn xuất hiện từ từ hay đột ngột?
  • Cơn đau có trở nên tồi tệ hơn dần dần không?
  • Có hoạt động nào khiến cơn đau của bạn tăng lên không?
  • Có hoạt động nào khiến cơn đau của bạn giảm bớt không?

Tiếp theo, bác sĩ sẽ thăm khám những chi tiết cần thiết nhằm đo phạm vi chuyển động của khớp cột sống và bất kỳ bất thường nào xung quanh khu vực bị ảnh hưởng. Bác sĩ cũng có thể thực hiện một số bài kiểm tra cảm giác thần kinh để đo phản xạ của bạn.

Chụp X-quang hoặc CT thường được sử dụng để xác định sự hiện diện của gai xương ở vùng cổ hoặc lưng, nếu có nghi ngờ rằng gai xương có thể đang gây áp lực lên dây thần kinh cột sống, có thể thực hiện chụp phim tủy sống với thuốc cản quang để xác định rõ hơn dây thần kinh bị ảnh hưởng.

X-quang là phương tiện hình ảnh đơn giản giúp chẩn đoán gai cột sống

X-quang là phương tiện hình ảnh đơn giản giúp chẩn đoán gai cột sống

Điều trị gai cột sống

Gai cột sống có chữa được không?

Gai cột sống có thể được xử lý tận gốc bằng các phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên trên thực tế, các bác sĩ thường tư vấn điều trị gai cột sống theo hướng bảo tồn mà không cần can thiệp phẫu thuật. Các phương pháp điều trị gai xương truyền thống thường có thể giảm thiểu hầu hết các trường hợp chèn ép dây thần kinh từ nhẹ đến trung bình và là phương pháp điều trị đầu tiên cho đau lưng do gai cột sống.

Điều trị bảo tồn không phẫu thuật gai cột sống

Kiểm soát cơn đau trong gai cột sống

Triệu chứng chủ yếu của gai cột sống là đau tại vùng mà thần kinh chi phối cho nó bị đè ép. Để giúp giảm đau do gai cột sống, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một hoặc nhiều biện pháp sau:

  • Uống các loại thuốc kháng viêm không steroid không cần kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, meloxicam… để giảm đau.
  • Tiêm khớp steroid: phương pháp này có thể giúp giảm viêm và sưng một cách nhanh chóng nhưng cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.
  • Giảm cân: giúp giảm bớt gánh nặng lên các khớp và cột sống.
  • Nghỉ ngơi và chườm đá khu vực bị ảnh hưởng có thể giúp giảm đau và viêm.
  • Tập vật lý trị liệu giúp giữ cho các khớp hoạt động trơn tru và giảm đau khi người bệnh thực hiện các động tác.
  • Massage: có thể giúp máu lưu thông tốt hơn.

Các bài thuốc đông y điều trị gai cột sống

Hiện nay, có rất nhiều bài thuốc đông y được quảng cáo với tác dụng chữa đau nhức xương khớp, tiêu trừ gai xương cột sống. Vì vậy người bệnh cần cảnh giác và lựa chọn điều trị ở những cơ sở điều trị y học cổ truyền uy tín. Dưới đây là một số bài thuốc mà bạn có thể tham khảo để điều trị gai cột sống:

  • Bài thuốc từ dược liệu độc hoạt, đỗ trọng, quế chi và hy thiêm
  • Bài thuốc đông y trị gai cột sống hiệu quả với thổ phục linh, hà thủ ô
  • Bài thuốc từ dược liệu đại hoàng, cát căn và ý dĩ
  • Bài thuốc từ long cốt và sinh địa
  • Bài thuốc dùng dược liệu phòng phong, xuyên khung

Ưu điểm của các bài thuốc đông y là khá an toàn nếu được sử dụng đúng liều lượng và vị thuốc, ít tác dụng phụ lên cơ thể và có thể giúp bồi bổ cho các cơ quan khác ngoài khớp. Tuy nhiên cần lưu ý tác dụng của các bài thuốc đông y đến tương đối chậm. Trong những trường hợp gai cột sống nặng, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị thích hợp nhất.

Điều trị giảm đau bằng thuốc đối với gai cột sống nhẹ tới trung bình

Điều trị giảm đau bằng thuốc đối với gai cột sống nhẹ tới trung bình

Điều trị phẫu thuật

Khi các biện pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả sau 6-8 tuần, phẫu thuật loại bỏ gai xương có thể là bước tiếp theo. Đặc biệt, nếu bạn gặp khó khăn trong việc phối hợp tay hoặc chân, phẫu thuật có thể cần được thực hiện sớm hơn. Quyết định phẫu thuật nên được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, điều trị bảo tồn vẫn có thể giảm đau hiệu quả cho nhiều người mà không cần đến phẫu thuật.

Phẫu thuật loại bỏ gai xương thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi, mang lại hiệu quả cao và tỷ lệ thành công lớn. Mặc dù có khả năng gai xương tái phát, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro này đáng kể.

Nội soi điều trị gai cột sống được thực hiện dưới sự gây tê cục bộ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một vết rạch nhỏ ở lưng bệnh nhân để đưa vào một ống nhỏ đặc biệt. Qua ống này, bác sĩ phẫu thuật có thể tiếp cận gai xương và làm sạch nó cùng với bất kỳ mảnh vụn nào khác.

Sau phẫu thuật gai cột sống, người bệnh có thể không cần ở lại qua đêm tại bệnh viện và nhiều bệnh nhân cảm thấy giảm triệu chứng ở chân hoặc tay trong khi thủ tục được thực hiện. Sự phục hồi hoàn toàn sau khi loại bỏ gai xương có thể dự kiến trong khoảng từ mười ngày đến vài tuần.

Điều trị gai cột sống tại nhà

Gai cột sống nên ăn gì?

Khi điều trị gai cột sống bằng các phương pháp không phẫu thuật, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục và cải thiện sức khỏe xương. Dưới đây là một số loại thực phẩm bạn nên thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày:

  • Rau lá xanh: Các loại rau như cải xoăn và cải thìa là những nguồn cung cấp canxi tuyệt vời, rất cần thiết cho quá trình tái tạo và duy trì sức khỏe xương.
  • Trái cây có múi, cà chua và quả mọng: Những loại trái cây này giàu vitamin C, giúp hình thành collagen, hỗ trợ quá trình tái tạo mô và giảm nguy cơ hình thành gai xương.
  • Cám lúa mì và mầm lúa mì: Chúng chứa betaine hydrochloride, giúp cơ thể hấp thụ khoáng chất hiệu quả, ngăn ngừa sự hình thành tinh thể canxi tại các vị trí tổn thương. Quinoa và một số loại ngũ cốc khác cũng là nguồn cung cấp axit amin quan trọng này.
  • Các loại đậu và hạt: Magie, có nhiều trong các loại đậu, hạt và rau lá xanh, giúp tế bào tạo ra năng lượng và hỗ trợ canxi trong việc xây dựng xương.

Bằng cách bổ sung những thực phẩm này vào chế độ ăn uống, bạn có thể giúp cơ thể phục hồi tốt hơn và duy trì sức khỏe xương một cách tối ưu.

Tập luyện tại nhà

Các bài tập để tăng cường cơ core và cơ lưng của cơ thể, các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng, liệu pháp chườm đá và nhiệt, và massage có thể giúp giảm triệu chứng đau do gai cột sống chèn ép.

Tâm lý lạc quan

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc điều trị gai cột sống là duy trì tâm lý lạc quan. Khi đối mặt với bệnh tật, tinh thần tích cực có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các phương pháp điều trị cũng như chất lượng cuộc sống. Để duy trì tinh thần lạc quan, người bệnh nên tham gia các hoạt động giải trí, thư giãn và kết nối với gia đình, bạn bè. Sự hỗ trợ từ người thân và các hoạt động lành mạnh giúp giảm bớt căng thẳng, lo âu, và mang lại niềm tin vào quá trình điều trị.

Chế độ ăn là một phần quan trọng trong điều trị gai cột sống

Chế độ ăn là một phần quan trọng trong điều trị gai cột sống

Phòng bệnh gai cột sống

Mặc dù gai cột sống là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên và không thể hoàn toàn ngăn chặn, vẫn có những biện pháp mà bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ phát triển gai xương ở cột sống. Các phương pháp phòng ngừa gai cột sống bao gồm:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm áp lực lên cột sống và các khớp.
  • Tập thể dục đều đặn: Các bài tập giúp tăng cường cơ bắp hỗ trợ cột sống, cải thiện sự linh hoạt và giữ cho các khớp hoạt động tốt.
  • Duy trì tư thế đúng: Ngồi, đứng và nằm đúng tư thế giúp giảm áp lực không cần thiết lên cột sống.
  • Nâng vật nặng đúng cách: Sử dụng kỹ thuật nâng đúng để tránh chấn thương cho cột sống.
  • Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giàu canxi và vitamin D giúp duy trì sức khỏe xương, cùng với các chất dinh dưỡng khác như magie và vitamin C.

Kết: Gai cột sống là một vấn đề xương khớp phổ biến, nhưng thường lành tính và ít khi cần can thiệp phẫu thuật. Nhà Thuốc Việt hy vọng những kiến thức trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này và có những biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Thông tin liên hệ:

Địa chỉ:

  • Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM
  • Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM

Hệ thống Nhà Thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành cùng bạn để tìm ra giải pháp phù hợp nhất với bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Tài liệu tham khảo

https://www.sciatica.com/spine-conditions/spinal-bone-spurs/

https://miamineurosciencecenter.com/en/conditions/bone-spurs/

https://www.usaspinecare.com/back_problems/spinal_bone_spurs/four-foods-to-eat-when-treating-a-bone-spur/

https://www.upmc.com/services/orthopaedics/conditions-treatments/bone-spurs#treatment

https://www.atlanticspinecenter.com/conditions/spinal-bone-spurs.

https://benhvienxuongkhop102.org/thuoc-dong-y-tri-gai-cot-song-2270.html

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi