Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tham vấn y khoa bởi BS Nguyễn Quốc Đại

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là bệnh tự miễn mãn tính, thường ảnh hưởng đến người từ độ tuổi 30, và có xu hướng tăng dần khi về già. Bệnh có thể gây đau, cứng và sưng ở nhiều khớp, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, và chất lượng cuộc sống. Mặc dù VKDT không có cách chữa trị triệt căn, nhưng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả, có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp lâu dài. Trong bài viết say đây, Nhà thuốc Việt sẽ giới thiệu đến các bạn những thông tin cần thiết về căn bệnh VKDT, giúp bạn hiểu về rõ thực chất viêm khớp dạng thấp là gì, quá trình bệnh như thế nào, và các lựa chọn điều trị viêm khớp dạng thấp, với mục đích cuối cùng là giúp bạn có thể hành động sớm và sống tốt với căn bệnh này.

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh lý tự miễn, mạn tính và gây ảnh hưởng chính lên khớp. Bệnh gây ra các biểu hiện thường gặp như sưng, đau khớp, phá hủy lớp hoạt dịch khớp và biến dạng khớp. Ngoài ra, VKDT cũng gây ra những dấu hiệu khác vô cùng đa dạng trên các cơ quan ngoài khớp như tim, phổi, da… Việc điều trị VKDT đòi hỏi phải phối hợp điều trị không dùng thuốc đan xen chặt chẽ với điều trị bằng tân dược, có lộ trình phù hợp theo diễn tiến và mức độ hoạt động của bệnh để cho ra kết quả tốt nhất. Trong trường hợp nặng, chỉ định phẫu thuật khớp sẽ được đặt ra.

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp

Cho đến nay, nguyên nhân của VKDT vẫn còn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu về dịch tễ học trên thế giới nhận thấy rằng bệnh có tần suất mắc tăng dần theo tuổi và đạt đỉnh khi trên 65 tuổi. VKDT thường xảy ra ở nữ (tỷ lệ gấp 3 lần so với nam giới) và có liên quan tới một số yếu tố nguy cơ đã được chứng minh:

  • Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng trong việc phát triển VKDT là yếu tố di truyền. Việc có gen HLA-DR4 và HLA-DR1 liên quan với tỷ lệ cao mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc có các gen này không đảm bảo mắc bệnh, mà chỉ tăng khả năng mắc bệnh.
  • Các yếu tố môi trường cũng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh. Ví dụ, hút thuốc là một yếu tố môi trường tiềm năng liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Yếu tố nội tiết tố cũng được cho là liên quan đến bệnh VKDT. Phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ cao nhất mắc bệnh này, cho thấy sự đóng góp quan trọng của hormone sinh dục nữ trong cơ chế bệnh của VKDT.
  • Ngoài ra, một số nhiễm trùng, béo phì và có tiền sử gia đình có người mắc VKDT trong một số trường hợp cũng được xem là yếu tố nguy cơ mắc căn bệnh này.

Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở nữ giới

Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

1/ Triệu chứng tại khớp

  • Đau khớp: người bệnh thường sưng đau nhiều khớp và đối xứng hai bên, đau liên tục kể cả khi nghỉ hay vận động. Các khớp có tần suất bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp này gồm khớp ở bàn tay, bàn chân, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối. Trong những trường hợp khác hiếm gặp hơn, VKDT có thể xuất hiện ở các xương trục thân như cột sống (trừ cột sống cổ), xương sườn, xương ức và xương sọ.
    • Trong những trường hợp VKDT xảy ra ở khớp bàn – ngón tay, người bệnh sẽ có cảm giác đau khi có lực ép vào khớp này. Triệu chứng này có thể tình cơ phát hiện khi thực hiện động tác bắt tay và đây là một trong những dấu hiệu sớm để phát hiện tình trạng viêm khớp.
  • Cứng khớp vào buổi sáng là dấu hiệu tương đối điển hình ở những người bệnh VKDT. Người bệnh thường có cảm giác các khớp cứng, khó cử động mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, kéo dài trên 30 phút và sẽ cải thiện dần khi vận động. Trong nhiều trường hợp, cứng khớp có thể kéo dài hơn 1 giờ.
  • Biến dạng khớp: bàn tay thấp khớp là dấu hiệu đặc trưng của VKDT. Tuy nhiên các biến dạng khớp, cứng khớp cũng có thể được tìm thấy ở các khớp bị ảnh hưởng tại những vị trí khác.

Hình ảnh bệnh nhân bị biến dạng khớp

2/ Triệu chứng ngoài khớp

  • Các nốt dưới da, cứng, không đau, kích thước 2mm-5cm, thường xảy ra ở những vùng tiếp xúc với áp lực, ví dụ như mặt duỗi của cẳng tay, chỗ lồi xương.
  • Các cơ quan khác: VKDT là một bệnh hệ thống do các tế bào miễn dịch tự tấn công lên các khớp, bên cạnh đó cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Những nơi thường bị tổn thương nhất gồm phổi, mắt, mạch máu, tim…
  • Các triệu chứng không đặc hiệu như cảm giác mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, sốt nhẹ, sụt cân, vã mồ hôi trộm…

Các nốt dưới da ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

3/ Biến chứng VKDT

  • Trong các trường hợp VKDT nghiêm trọng hoặc không được điều trị phù hợp, các biến chứng vĩnh viễn tại khớp như cứng khớp kéo dài, biến dạng khớp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Đối với những trường hợp khớp viêm ở chi trên, biến dạng bàn tay thấp khớp có thể được tìm thấy như biến dạng cổ thiên nga, biến dạng Boutonniere, ngón cái hình chữ Z, ngón tay hình vuốt, ngón tay hình búa… Với chi dưới, biến chứng của viêm khớp dạng thấp có thể làm xuất hiện nang Baker do tràn dịch tại khớp viêm, biến dạng bàn chân bẹt…
  • Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp có thể gây ra các biến chứng lên các cơ quan khác gây ra yếu cơ, viêm mạch máu liên quan đến thận và bệnh amyloidosis. Hơn nữa, VKDT làm tăng nguy cơ xảy ra viêm khớp nhiễm trùng.
  • Cuối cùng, điều quan trọng cần tránh bỏ sót đối với người bệnh VKDT liên quan đến tình trạng thiếu xương, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương do tiến trình của bệnh hoặc việc sử dụng quá mức glucocorticoid trong giảm đau. Những hậu quả nghiêm trọng của viêm khớp dạng thấp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và các biện pháp điều trị hiệu quả để ngăn ngừa các biến chứng đó phát sinh.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp chủ yếu dựa vào biểu hiện triệu chứng của người bệnh, bao gồm đau khớp, cứng khớp và viêm màng hoạt dịch với thời gian kéo dài ≥ 6 tuần. Trong trường hợp cần thiết, một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sẽ được chỉ định để giúp xác định chẩn đoán cũng như xem xét mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Xét nghiệm thường quy: các xét nghiệm thường quy như công thức máu, CRP, tốc độ máu lắng, ferritin có thể được chỉ định. Tuy nhiên trong giai đoạn sớm của bệnh, các chỉ số có thể trả về kết quả bình thường.

Xét nghiệm huyết thanh trong VKDT: huyết thanh chẩn đoán là phương pháp định lượng nồng độ của một số yếu tố có trong máu của người bệnh. Đây là công cụ hữu ích giúp các nhà lâm sàng chẩn đoán VKDT. Đặc biệt các xét nghiệm này có thể giúp tầm soát sớm bệnh nhiều năm trước khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng.

Với những người bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, họ thường sẽ có biểu hiện bệnh rõ nét và nặng nề hơn. Song song đó, họ cũng có nguy cơ tiến triển các biến chứng của VKDT đáng kể hơn so với nhóm viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính.

Xét nghiệm huyết thanh trong VKDT bao gồm:

  • Kháng thể kháng CCP: có độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán VKDT
  • Yếu tố thấp RF: cần lưu ý rằng RF tăng cao không nhất thiết là do VKDT, chúng cũng có thể tăng trong các bệnh truyền nhiễm, các bệnh tự miễn khác và thậm chí cả những người khỏe mạnh.
  • Chọc dịch khớp: không phải là cận lâm sàng thường quy trong chẩn đoán VKDT. Chọc dịch khớp thường chỉ được thực hiện khi có sự nghi ngờ tình trạng nhiễm trùng khớp hoặc những trường hợp có triệu chứng không rõ ràng.
  • Xquang: là lựa chọn cận lâm sàng hình ảnh đầu tay trong chẩn đoán VKDT. Thường người bệnh sẽ được chụp phim Xquang ở bàn tay, bàn chân và những khớp có biểu hiện triệu chứng. Tuy vậy, những hình ảnh đặc thù giúp chẩn đoán VKDT đa số chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh như hẹp khe khớp, hình ảnh bào mòn bờ sụn và khớp, nang dưới sụn. Trong giai đoạn sớm thường chỉ thấy hình ảnh sưng các mô mềm và thiếu xương ở vùng lân cận khớp bị tổn thương.
  • Siêu âm: Siêu âm đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá bệnh viêm khớp dạng thấp, kỹ thuật này có thể cung cấp thông tin về tình trạng viêm trong giai đoạn sớm của bệnh, phát hiện hiện tượng tăng sản tế bào của màng hoạt dịch, một dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, siêu âm cũng có giá trị trong chẩn đoán tràn dịch khớp, cho thấy sự hiện diện gia tăng của chất lỏng trong khoang hoạt dịch, có thể chứa mủ, máu hoặc thâm nhiễm viêm. Để nâng cao hơn nữa độ nhạy của việc phát hiện tình trạng viêm, các bác sĩ có thể sử dụng chất tương phản trong quá trình kiểm tra siêu âm.
  • Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác: Chụp cộng hưởng từ MRI và chụp cắt lớp vi tính CTscan có thể được sử dụng trong một số trường hợp để chẩn đoán hoặc xác định các biến chứng.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp dựa vào biểu hiện ở bệnh nhân

Mức độ hoạt động của viêm khớp dạng thấp

Một trong những điều cần đánh giá trước khi điều trị VKDT là mức độ hoạt động của bệnh. Mức độ hoạt động của bệnh liên quan mật thiết tới lựa chọn loại thuốc điều trị khởi đầu cũng như liều lượng sử dụng. Hiện có nhiều chỉ số có thể được ứng dụng để tính ra mức độ hoạt động của bệnh như CDAI, SDAI, DAS28. Tùy vào từng tình huống và kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ điều trị mà sẽ lựa chọn ra chỉ số phù hợp cho từng người bệnh.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Tính đến thời điểm hiện tại, VKDT vẫn là bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên đã có nhiều loại thuốc ra đời để kiềm hãm diễn tiến bệnh cũng như cải thiện triệu chứng để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người bệnh. Trong những trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ cân nhắc về phương pháp điều trị phẫu thuật.

May mắn thay, các con số thống kê đã cho thấy, tỷ lệ tử vong do viêm khớp dạng thấp đã giảm trên toàn cầu trong ba thập kỷ qua. Tỷ lệ lưu hành bệnh theo độ tuổi trên toàn cầu và số người hiện sống chung với bệnh đã tăng lên và số ca bệnh mới được chẩn đoán dự kiến sẽ tiếp tục tăng đến năm 2050. Điều đó cho thấy những tiến bộ trong chẩn đoán cũng như điều trị để cải thiện dự hậu của bệnh.

1/ Thuốc điều trị VKDT

Trong giai đoạn cấp: điều trị viêm khớp dạng thấp trong giai đoạn cấp có hai mục tiêu chính: cắt giảm triệu chứng và khởi trị các thuốc DMARDs cổ điển

  • Với những người bệnh trong giai đoạn cấp tính, nhiều triệu chứng tại khớp và/hoặc ngoài khớp, lựa chọn điều trị cần thiết ngay lúc này là thuyên giảm triệu chứng bằng các thuốc nhóm Glucocorticoid hay NSAIDs như Ibuprofen, Diclofenac, Celecoxib. Liệu trình thường sẽ dưới 3 tháng và giảm dần đến liều thấp nhất có thể. Các vấn đề thường xảy ra khi sử dụng 2 nhóm thuốc trong giai đoạn cấp này là những ảnh hưởng lên thận, tim mạch và dạ dày. Bác sĩ có thể kê thêm nhóm thuốc PPI để hạn chế các tác dụng phụ lên dạ dày cho người bệnh.
  • DMARDs (Disease-modifying antirheumatic drugs): là nhóm thuốc chống thấp làm thay đổi bệnh. Chúng cũng được sử dụng đồng thời trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Các thuốc này thường khởi phát tác dụng chậm, thường sau 6 tuần và sẽ được chỉ định điều trị về lâu về dài cho người bệnh. Về mặt hiệu quả, nhóm DMARDs vừa giúp cải thiện triệu chứng, vừa giảm được tỷ lệ tử vong lên đến 30% so với nhóm không điều trị. Tuy nhiên cần theo dõi cẩn thận các tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị. Các loại thuốc trong nhóm DMARDs cổ điển bao gồm: Methotrexat, Sulfasalazine, Hydroxychloroquine, Leflunomide, Tofacitinib, baricitinib.
  • DMARDs sinh học: được sử dụng trong những trường hợp VKDT có mức độ hoạt động bệnh nặng hoặc không thuyên giảm sau khi điều trị bằng liệu pháp thông thường sau 3 tháng. Nhóm thuốc này tuy cho hiệu quả điều trị cao nhưng cũng đi kèm nhiều tác dụng phụ cần lưu ý. Để tránh các tác dụng phụ do nhóm thuốc DMARDs gây ra, người bệnh sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm trước khi khởi trị như xét nghiệm máu, chức năng gan, chức năng thận, tầm soát viêm gan B, C, tầm soát lao…

2/ Điều trị phẫu thuật VKDT

Chỉ định điều trị phẫu thuật trong viêm khớp dạng thấp được cân nhắc khi người bệnh có tình trạng biến dạng khớp nặng. Trong số hiếm trường hợp, phẫu thuật được chỉ định để kiểm soát cơn đau khi người bệnh không thể dung nạp với các điều trị dùng thuốc. Các phương pháp phẫu thuật sẽ được lựa chọn tùy bệnh cảnh của người bệnh, trong đó bao gồm phẫu thuật thay khớp hay cắt bỏ mô hoạt dịch.

3/ Điều trị khác cho VKDT

  • Mặc dù thuốc đóng vai trò quan trọng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, nhưng chính các biện pháp can thiệp không dùng thuốc cũng có thể góp phần không nhỏ trong cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân. Trong đó, việc thực hiện các chiến lược ngăn ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa (ASCVD) đã được chứng minh là mang lại sức khỏe tổng thể tốt hơn ở bệnh nhân VKDT. Chiến lược này bao gồm ngưng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết…
  • Bên cạnh đó, tập vật lý trị liệu cũng có thể giúp tăng cường đáng kể khả năng vận động của khớp, cho phép các cá nhân duy trì sự độc lập và chất lượng cuộc sống. Các kỹ thuật kiểm soát đau đơn giản như chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể mang lại hiệu quả cần thiết và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày thoải mái hơn cho những người bệnh VKDT. Ngoài ra, chủng ngừa cúm, phế cầu, viêm gan B và thủy đậu trước khi khởi trị nhóm thuốc DMARDs cũng góp phần quan trọng trong chiến lược điều trị lâu dài VKDT.

Tập vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp

4/ Chế độ ăn dành cho VKDT

Một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng là điều cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Người bệnh VKDT cần có một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng các chất. Có một số loại thực phẩm đặc biệt tốt cần có trong chế độ ăn cho người bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Axit béo omega-3: Được tìm thấy trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá mòi và cá thu, những chất béo này có đặc tính chống viêm mạnh.
  • Rau: Chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin, rau có thể giúp giảm viêm và tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn.
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Chọn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, quinoa, yến mạch và lúa mạch thay vì ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng và mì ống. Ngũ cốc nguyên hạt được cho là có thể làm giảm một số yếu tố viêm trong VKDT. Đồng thời chúng cũng rất giàu chất xơ và chất dinh dưỡng, có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và tăng cường sức khỏe đường ruột.
  • Dầu ô liu: Chất béo lành mạnh này là thành phần chính trong chế độ ăn Địa Trung Hải, được chứng minh là có lợi cho những người mắc bệnh RA.

Thực phẩm cần hạn chế:

  • Thịt đỏ đã qua chế biến và các sản phẩm từ sữa: Thịt đỏ, đặc biệt khi đã qua chế biến và sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp các chất béo bão hòa, có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Thay vào đó hãy chọn các nguồn protein nạc như cá, thịt gia cầm và đậu.
  • Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh: Thực phẩm loại này thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh, đường tinh luyện và natri, có thể góp phần gây viêm và các vấn đề sức khỏe khác.
  • Rượu: Rượu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng RA và ảnh hưởng đến thuốc. Chúng cũng góp phần gây nên tình trạng loét dạ dày ở nhiều người bệnh. Nên hạn chế uống rượu hoặc kiêng hoàn toàn.

Một điều thú vị khi thực hiện chế độ ăn tốt như ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh không chỉ có lợi cho việc kiểm soát các triệu chứng VKDT mà còn tăng cường sức khỏe tổng thể của hệ thống tim mạch. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp ăn kiêng này có thể giúp giảm cholesterol, giảm huyết áp và bảo vệ tim mạch. Qua đó giúp phòng và cải thiện tiên lượng dài lâu của người bệnh.

Kết luận

Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng bệnh mãn tính, nhưng đừng để căn bệnh này quyết định cuộc sống của bạn. Bằng việc chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả và cam kết thực hiện các thói quen lành mạnh, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng của mình và sống một cuộc sống trọn vẹn.

Trên đây là bài viết về tổng quan căn bệnh VKDT, Nhà Thuốc Việt hy vọng bạn đọc đã có được nhiều thông tin hữu ích để chăm sóc tốt nhất đến sức khỏe cho bản thân mình.

———————————————

>>> Tài liệu tham khảo <<<

[1] Tài liệu tham khảo số 1:

https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/ra-foods

[2] Tài liệu tham khảo số 2:

https://www.thelancet.com/journals/lanrhe/article/PIIS2665-9913(23)00211-4/fulltext

[3] Tài liệu tham khảo số 3:

https://www.arthritis.org/diseases/rheumatoid-arthritis

[4] Tài liệu tham khảo số 4:

Ebook: Wasserman AM. Diagnosis and Management of Rheumatoid Arthritis

[5] Tài liệu tham khảo số 5:

https://www.cdc.gov/arthritis/basics/rheumatoid-arthritis.html

———————————————

Hệ thống Nhà thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành vì sức khỏe của bạn và gia đình!

• Website: https://nhathuocviet.vn

• Hotline/Zalo: 0985508450

• Fanpage: https://fb.com/hethongnhathuocviet

• Địa chỉ chi nhánh 1: Số 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, TP HCM

• Địa chỉ chi nhánh 2: Số 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP HCM

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi