Thoát vị đĩa đệm L4 L5 là gì? Triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại
Rất nhiều người bệnh có triệu chứng đau lưng, đau lan chân khi đi chụp phim MRI cột sống thắt lưng thì được chẩn đoán “thoát vị đĩa đệm L4 L5”. Vì thế, câu hỏi thoát vị đĩa đệm L4 L5 là gì cũng là thắc mắc chung của nhiều người. Và liệu thoát vị đĩa đệm L4 L5 có nguy hiểm hay không, cách điều trị có khó khăn hay không và gồm những phương pháp nào? Thấu hiểu nỗi lo lắng của người bệnh, Nhà thuốc Việt xin gửi đến các quý bạn đọc đang mong muốn tìm hiểu về chủ đề này những giải đáp chi tiết về thoát vị đĩa đệm L4 L5 và cách điều trị của bệnh lý này.

Thoát vị đĩa đệm L4 L5 là gì?

Đĩa đệm là gì?

Cột sống là một chiếc trục nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Cột sống được cấu tạo từ nhiều đốt sống riêng lẻ vì thể không chỉ nâng đỡ, cột sống còn có khả năng uốn cong để thực hiện nhiều chuyển động khác nhau. Tuy nhưng chất liệu của cột sống là xương vô cùng khô cứng. Bạn có thể tưởng tượng cơ thể của chúng ta nặng hàng chục ký, cột sống nếu không có chất bôi trơn, không có bộ phận nâng đỡ, qua nhiều năm các đốt sống chịu sức nặng của cơ thể như thế sẽ dễ bị mài mòn. Rất may, giữa từng đốt sống có cấu trúc được gọi là đĩa đệm giúp thực hiện nhiệm vụ này.

Đĩa đệm là có hai phần chính. Vành ngoài là vòng sợi và phần bên trong là nhân nhầy. Nhờ thành phần nhân nhầy có khả năng đàn hồi mà đĩa đệm làm rất tốt vai trò giảm lực tác động do di chuyển và do cả cân nặng của con người, bảo vệ đốt sống khỏi các chấn thương và mài mòn.

L4 L5 là gì?

Theo quy ước của y học, các đốt sống trên cơ thể của bạn đều có tên của riêng nó. Ví dụ các đốt sống cổ sẽ được gọi là C, bạn có tất cả 7 đốt sống cổ đếm từ trên xuống dưới sẽ là C1 tới C7. Các đốt sống ngực là T, có tất cả 12 đốt. Các đốt sống thắt lưng là L, có 5 đốt. Cuối cùng các đốt sống của xương cùng cụt gọi là S, đếm số từ S1 tới S5.

Từ lý giải trên, chúng ta biết rằng L4 và L5 là hai đốt sống thấp nhất của cột sống thắt lưng. Cùng với đĩa đệm, khớp, dây thần kinh và mô mềm, đoạn chuyển động cột sống L4-L5 cung cấp nhiều chức năng khác nhau, bao gồm hỗ trợ phần thân trên và cho phép chuyển động vùng hông theo nhiều hướng như nghiêng qua bên, gập người ra trước hoặc ngả người ra sau. Vùng ngực và vùng lưng trên có nối với các xương sườn để bảo vệ các cơ quan quan trọng như tim, phổi – liên quan trực tiếp đến mạng sống – nên hầu như không có khả năng di động mấy. Hầu như các hoạt động của vùng thân sẽ nằm ở vùng thắt lưng L4 L5, đó cùng là lý do mà L4 L5 là khu vực dễ chấn thương và thoái hoá nhất so với các đoạn khác của cột sống.

Đốt sống L4 và L5 là hai đốt sống cuối cùng của vùng thắt lưng

Đốt sống L4 và L5 là hai đốt sống cuối cùng của vùng thắt lưng

Đĩa đệm L4-L5

Vị trí giữa đốt sống L4 và đốt sống L5 cũng có một đĩa đệm, được gọi là đĩa L4 L5. Đĩa đệm này có chức năng đệm và hấp thụ sốc để bảo vệ các đốt sống không bị mài vào nhau trong quá trình cử động của cột sống. Chiều cao của đĩa đệm L4-L5 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ cong vào trong của cột sống thắt lưng.

Dây thần kinh đốt sống L4

Một thành phần quan trọng không thể không quên nói đến đó là hệ thần kinh. Mỗi đốt sống đề có thần kinh đi qua. Rễ thần kinh đốt sống L4 đi ra ở bên trái và bên phải của ống sống. Các rễ thần kinh này kết hợp với các dây thần kinh khác để tạo thành các dây thần kinh lớn hơn kéo dài dọc theo cột sống và đi xuống hai bên chân. Thần kinh có chức năng điều khiển cơ bắp và cảm nhận cảm giác vùng da. Cụ thể để biết vùng da và cơ nào mà thần kinh đốt L4 đi qua, hãy xem hình sơ đồ giải phẫu dưới đây.

Thoát vị đĩa đệm L4 L5 là gì?

Thoát vị đĩa đệm lưng dưới thường gặp nhất ở đoạn L4–L5. Vì cột sống và đĩa đệm vị trí này chịu trách nhiệm cho 95% chuyển động uốn cong hoặc xoắn liên quan đến thắt lưng. Bởi vì chúng thực hiện chức năng hỗ trợ phần thân trên nên phân khúc này chịu tải nặng nhất. Thoát vị đĩa đệm L4 L5 là tình trạng mà đĩa đệm do chịu sức ép lớn nên bị trượt ra khỏi vị trí của nó, bao xơ của đĩa đệm có thể bị rách và thoát chất nhầy bên trong đĩa đệm ra.

Khi đĩa đệm bị trượt có thể chạm vào rễ thần kinh tại vị trí này gây ra đau lan theo đường đi của dây thần kinh. Bạn sẽ đau lan từ vùng lưng xuống mông, xuống chân và thậm chí tới bàn chân. Trường hợp thoát vị nhiều có thể ảnh hưởng lên cả rễ thần kinh L5 và S1.

Hình ảnh thoát vị đĩa đệm L4 L5 nhìn thấy trên MRI

Hình ảnh thoát vị đĩa đệm L4 L5 nhìn thấy trên MRI

Thoát vị đĩa đệm L4 L5 có nguy hiểm không?

Rối loạn khớp cột sống

Như chúng tôi đã đề cập, đĩa đệm có chức năng nâng đỡ cho cột sống. Khi đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí chêm giữa các đốt sống thì những đốt sống này sẽ dễ bị mài mòn do chịu thêm gánh nặng khi ngồi, đứng hoặc dễ nứt gãy, dễ lún nếu có va chạm, té ngã. Giữa các khớp đốt sống sẽ có thể xảy ra tình trạng tăng tiết dịch. Khi dịch tăng tiết quá mức dễ gây viêm khớp và gai xương.

Đĩa đệm bị trượt hoặc gai xương có thể gây chèn ép dây thần kinh. Dây thần kinh bị chèn ép cũng có thể do gai xương, viêm khớp và thoái hóa cột sống gây ra. Dù nguyên nhân là gì thì dây thần kinh bị chèn ép cũng cần được điều trị ngay lập tức, đặc biệt là ở phần L4-L5 của lưng dưới.

Chèn ép rễ thần kinh, kích thích rễ thần kinh

Thoát vị đĩa đệm L4 L5 nếu thoát vị nhiều có thể gây chèn ép cùng lúc nhiều rễ thần kinh. Khi đĩa đệm vỡ gây thoát nhân nhầy bên trong đĩa đệm ra ngoài, các thành phần hoá học của nhân nhầy có thể kích thích dây thần kinh gây đau nhiều. Dây thần kinh bị chèn ép nặng lâu ngày có thể thoái hoá gây nên yếu liệt, nếu điều trị chậm trễ khả năng phục hồi sau yếu liệt là rất thấp vì dây thần kinh đã có tổn thương không hồi phục được.

Hẹp ống sống ở vị trí L4 L5

Ống sống là nơi chứa tuỷ sống và thần kinh. Hẹp cột sống là một nguyên nhân phổ biến gây ra khuyết tật và đau đớn rất phổ biến. Nguyên nhân hẹp ống sống có thể là thoái hoá khớp, thoái hóa đĩa đệm, gai cột sống… Khi đĩa đệm thoát về phía sau sẽ làm hẹp ống sống.

Hẹp ống sống nặng có thể gây nên hội chứng chùm đuôi ngựa. Đám rối thần kinh vùng tận cùng có hình dạng giống đuôi ngựa nên được gọi là đám rối thần kinh chùm đuôi ngựa. Khi chèn ép các rễ thần kinh này sẽ có hội chứng chùm đuôi ngựa. Hội chứng có nghĩa là bao gồm nhiều triệu chứng. Các triệu chứng trong hội chứng này có thể là liệt chân, mất cảm giác vùng trong và xung quanh đáy chậu, hậu môn; rối loạn chức năng bàng quang, ruột, mất phản xạ của các cơ vùng chậu.

Đám rối thần kinh vùng tận cùng gọi là chùm đuôi ngựa

Đám rối thần kinh vùng tận cùng gọi là chùm đuôi ngựa

Nhược cơ

Nhược cơ (yếu cơ) bao gồm cơ bắp của chân nơi thần kinh đi qua, khi thần kinh bị chèn ép có thể gây yếu liệt một hoặc hoặc hai bên chân. Nhược cơ cũng có thể xảy ra với các nhóm cơ vùng chậu gây nên tiêu tiểu không tự chủ, người bệnh không thể nín tiểu hay đại tiện. Một số người bệnh bí tiểu. Rối loạn cương dương cũng có thể xảy ra. Trường hợp nhược cơ đồng nghĩa với chèn ép đã đến mức độ nặng cần được can thiệp sớm với phẫu thuật để giải ép trước khi thần kinh thoái hoá không hồi phục do chèn ép lâu dài.

Vậy trả lời cho câu hỏi thoát vị đĩa đệm L4 L5 có nguy hiểm không? Chúng tôi xin trả lời rằng điều đó tuỳ vào mức độ chèn ép và triệu chứng của bệnh. Nếu chỉ đau tại chỗ thì thoát vị đĩa đệm ở mức độ nhẹ. Nếu thoát vị chèn ép đến mức độ gây yếu cơ chân, tiêu tiểu không kiểm soát được thì phẫu thuật là khẩn cấp vì bạn đang đứng trước nguy cơ yếu liệt không thể phục hồi nếu phẫu thuật chậm trễ.

Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm L4 L5

Tùy thuộc vào mức độ chèn ép mà triệu chứng của thoát vị đĩa đệm L4 L5 đa dạng. Các triệu chứng và dấu hiệu thường gặp bao gồm:

Đau: đau tại chỗ là mức độ chèn ép còn nhẹ khi chèn ép nhiều sẽ có triệu chứng đau lan theo đường đi của dây thần kinh

Tê: người bệnh có thể tê khu trú 1 vùng đùi, chân, bàn chân hoặc thậm chí ngón chân và tê lan theo đường đi của rễ thần kinh

Đau và tê tăng nặng khi đi lại, khi cúi gập người về phía trước hoặc khi nhấc chân cao ở tư thế nằm thẳng; giảm khi người bệnh ngồi nghỉ. Kiểu đau này là do khi vận động hoặc ở một số tư thế sẽ tạo thêm sức ép đẩy đĩa đệm về phía sau, chèn vào ống sống. Nếu thoát vị nhiều người bệnh có thể đau liên tục kể cả khi nghỉ.

Trường hợp tổn thương ở đuôi ngựa có thể gây đau dữ dội, yếu, liệt ở cả hai chân. Cũng có thể có sự giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng kiểm soát ruột và/hoặc bàng quang gây tiêu tiểu không thể kiểm soát. Tình trạng này là một trường hợp cấp cứu y tế và cần điều trị khẩn cấp để bảo tồn chức năng của chân và phục hồi chức năng ruột và/hoặc bàng quang.

Đau lưng tại chỗ vị trí L4 L5 là triệu chứng điển hình

Đau lưng tại chỗ vị trí L4 L5 là triệu chứng điển hình

Cách điều trị thoát vị đĩa đệm L4 L5

Thoát vị đĩa đệm không nhất thiết phải phẫu thuật. Cách điều trị thoát vị đĩa đệm L4 L5 phụ thuộc vào các triệu chứng. Nếu chỉ đau đơn thuần và đau ít, không kèm yếu liệt hay rối loạn tiêu, tiểu thì sẽ điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật hay gọi là điều trị bảo tồn. Nếu đã áp dụng điều trị bảo tồn nhưng các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Nếu các triệu chứng trở nên tốt hơn, bác sĩ sẽ đề nghị theo dõi và chờ xem liệu các triệu chứng có biến mất hay không. Nhiều người bệnh thoát vị đĩa đệm nhẹ có thể tự hết triệu chứng sau vài tuần hoặc vài tháng.

Điều trị KHÔNG phẫu thuật

Thuốc

Cả thuốc giảm đau kê đơn và thuốc không kê đơn đều được sử dụng để giúp giảm đau do thoát vị đĩa đệm L4-L5. Thông thường, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được thử trước tiên. Đối với những cơn đau nặng hơn, có thể sử dụng giảm đau opioid, tramadol và/hoặc corticosteroid.

Vật lý trị liệu

Tập thể dục và vật lý trị liệu đúng cách có thể cải thiện cơn đau vùng lưng dưới nhờ nắn chỉnh tư thế. Bạn nên đến cơ sở có chuyên khoa vật lý trị liệu uy tín để được hướng dẫn các bài tập đúng thay vì tự tập. Tự tập sai cách có thể khiến tình trạng thoát vị tệ hơn.

Nghỉ ngơi

Nếu lồi đĩa đệm nhẹ, bạn có thể hồi phục trong vài tuần chỉ với việc nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi tức là hạn chế các động tác tăng nặng tình trạng bệnh như gập/ưỡn lưng nhiều lần, nhảy, tập thể dục cường độ cao, nâng tạ nặng. Tốt nhất bạn nên hạn chế mang vác.

Sau khi các triệu chứng đã hết bạn nên duy trì hoạt động tích cực, tuân theo thói quen tập thể dục, bỏ hút thuốc và giảm cân ở những người thừa cân có thể giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề tại vùng lưng dưới L4 L5.

Tiêm – cách chữa thoát vị đĩa đệm l4 l5 khi sử dụng thuốc không còn hiệu quả

Tiêm steroid ngoài màng cứng vùng thắt lưng

Steroid ngoài màng cứng giúp kiểm soát tình trạng viêm xung quanh rễ thần kinh cột sống. Steroid được tiêm trực tiếp vào khoang ngoài màng cứng cột sống có thể giúp giảm viêm và giảm độ nhạy cảm của các sợi thần kinh với cơn đau, tạo ra ít tín hiệu đau hơn. Những mũi tiêm này có hiệu quả hơn trong việc điều trị các nguyên nhân gây đau do viêm, chẳng hạn như đau do các nhân nhầy đĩa đệm thoát ra kích thích viêm tại dây thần kinh và thường kém hiệu quả hơn đối với các nguyên nhân gây đau do chèn ép. Tiêm Steroid là biện pháp chữa thoát vị đĩa đệm L4 L5 nhưng chưa có chỉ định mổ, vì các phương pháp kể trên đã áp dụng mà không đem lại hiệu quả giảm đau.

Tiêm Steroid giúp giảm đau khi thuốc giảm đau dạng viên không còn hiệu quả

Tiêm Steroid giúp giảm đau khi thuốc giảm đau dạng viên không còn hiệu quả

Đốt sóng cao tần (RFA)

Điều trị bằng sóng cao tần có thể giảm đau bằng việc đốt các nhánh thần kinh cảm giác đau. Tuy nhiên phương pháp này còn ít thông số nghiên cứu và những bệnh viện lớn mới có phương tiện để thực hiện, chi phí để tiến hành cao nên ít được ứng dụng.

Phương pháp điều trị phẫu thuật cho L4 L5

Phẫu thuật là cách chữa thoát vị đĩa đệm L4 L5 có thể được cân nhắc khi có các dấu hiệu tổn thương thần kinh, chẳng hạn như tê và/hoặc yếu cơ tiếp tục trầm trọng hơn mặc dù đã điều trị không phẫu thuật trong vài tuần. Phẫu thuật cột sống thắt lưng L4-L5 mục đích là để để giảm bớt sự chèn ép của rễ thần kinh và/hoặc đuôi ngựa, có thể nẹp vít làm vững cột sống hoặc thay thế đĩa đệm tuỳ tình trạng bệnh lý mỗi người.

Kết: Thoát vị đĩa đệm tại vị trí L4 L5 thường gặp nhất so với các vị trí thoát vị đĩa đệm khác. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm L4 L5 đa dạng tuỳ theo mức độ chèn ép do thoát vị gây nên. Điều trị thoát vị đĩa đệm L4 L5 không nhất thiết phải phẫu thuật mà tuỳ theo mức độ nặng của bệnh lý, thông thường bác sĩ sẽ điều trị bằng các phương pháp bảo tồn trước và chỉ đưa ra hướng phẫu thuật khi đã điều trị bảo tồn nhưng không cải thiện được.

Nhà thuốc Việt mong rằng với những thông tin hữu ích trên, người bệnh không còn lo lắng vì chưa hiểu rõ về bệnh của bản thân. Trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm L4 L5 cần thuốc giảm đau, người bệnh tìm mua thuốc chính hãng, có dược sĩ chuyên môn cao tư vấn về cách sử dụng, xử trí khi có tác dụng phụ, hãy liên hệ nhà thuốc Việt:

– Hotline: 0985508450

– Zalo: 0985508450

– Website: nhathuocviet.vn

Địa chỉ:

Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM

Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM

Xem thêm:

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi