Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Thoái hóa khớp gối là bệnh gì? Những dấu hiệu nhận biết? Nguyên tắc điều trị bệnh như thế nào? Những câu hỏi trên là điều mà rất nhiều bạn đọc quan tâm đến, bởi lẽ thoái hóa khớp là bệnh khớp phổ biến thường gặp ở độ tuổi ngoài 40 và gần như toàn bộ ở độ tuổi từ 80 trở lên.

Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp là căn bệnh mãn tính hay gặp ở người lớn tuổi

Bài viết dưới đây, Hệ thống Nhà thuốc Việt sẽ cung cấp những kiến thức tổng quát nhất về thoái hóa khớp gối.

Bệnh thoái hóa khớp gối là bệnh gì?

Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh mạn tính, có diễn tiến âm thầm và ít được nhận biết kịp thời. Khi các dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn như các cơn đau trở nên dữ dội hơn, các hoạt động khớp trở nên khó khăn và kém linh hoạt thì bệnh đã tiến triển nặng.

Bệnh đặc trưng bởi sự mất sụn (hay gặp nhất là mất sụn ở khoang trong). Bên cạnh đó, các dây chằng trở nên lỏng lẻo gây ra tình trạng đi đứng không vững (có cảm giác lỏng khớp gối) và đau nhức do tổn thương gân và dây chằng.

Dấu hiệu thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là bệnh mãn tính và trải qua nhiều giai đoạn, ở mỗi giai đoạn dấu hiệu nhận biết bệnh sẽ khác nhau.

Giai đoạn khởi phát bệnh

Ở giai đoạn này, bệnh diễn tiến âm thầm, sụn chỉ bị tổn thương nhẹ, sự thu hẹp khoảng cách giữa các xương không rõ ràng. Người bệnh thường cảm nhận tiếng lục khục hoặc lạo xạo khi gấp – duỗi khớp gối, đôi khi xuất hiện các cơn đau thoáng qua ở mặt trước và trong khớp gối.

Các dấu hiệu này không rõ ràng, thường xuyên mà chỉ mơ hồ thoáng qua khiến người bệnh không để ý và dễ dàng bỏ qua.

Giai đoạn tiến triển bệnh

Ở giai đoạn này, các cơn đau xuất hiện thường xuyên và mức độ đau cũng tăng dần. Người bệnh cảm thấy cơn đau tăng lên khi vận động nhất là khi đi lại nhiều, lên xuống cầu thang hoặc khi lên dốc.

Cứng khớp vào buổi sáng cũng xuất hiện vào buổi sáng, thời gian kéo dài khoảng 30 phút hoặc khó cử động sau khi ở yên một khoảng thời gian.

Đây là những dấu hiệu cho thấy thoái hóa khớp gối đang vào giai đoạn tiến triển, cần điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Giai đoạn tổn thương

Càng về giai đoạn sau này, các tổn thương trong khớp gối càng nhiều gây ra những bất tiện và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Khớp gối có thể bị sưng lên, khoảng cách giữa các xương trong khớp giảm dần khiến sụn bị chèn ép, vỡ thêm; chất dịch tiết ra ít càng làm cho tổn thương tại khớp gối trầm trọng hơn, các xương va chạm vào nhau gây đau nhức cho người bệnh.

Giai đoạn tổn thương

Khoảng cách giữa các xương trong khớp giảm dần gây nên sự chèn ép và tổn thương

Tình trạng nặng hơn có thể dẫn đến chân người bệnh bị lệch trục kiểu chân vòng kiềng (chân chữ O), hoặc kiểu chân chữ X và mất chức năng vận động.

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Khớp gối là khớp hoạt động nhiều và chịu sức nặng của cơ thể, do vậy đây là khớp rất dễ bị tổn thương, thoái hóa. Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến thoái hóa khớp gối nhưng cơ bản có thể chia thành 2 nhóm nguyên nhân như sau:

Nguyên nhân nguyên phát

Đây là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng trực tiếp lên khớp gối, bao gồm:

Tuổi tác

Theo thời gian, khi tuổi tác càng cao khả năng tổng hợp sụn khớp càng giảm, ở độ tuổi trưởng thành các tế bào sụn cũng không có khả năng sinh sản và tái tạo lại.

Đây cũng chính là lý do, thoái hóa khớp gối trở nên phổ biến và chiếm 80% ở người trên 75 tuổi.

Di truyền

Thoái hóa khớp gối cũng có tính di truyền. Những bất thường về hình dạng xương quanh khớp gối có thể do một đột biến nào đó làm tăng khả năng bị viêm khớp gối của một người. Và điều này có thể di truyền, do vậy nếu trong gia đình có người bị thóa hóa khớp gối thì có khả năng cao là bạn cũng sẽ bị bệnh này.

Sự chuyển hóa trong cơ thể

Những người bị một số hội chứng rối loạn chuyển hóa, ví dụ như dư thừa sắt, cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng, tiểu đường, … cũng có nguy cơ cao bị mắc các bệnh cơ xương khớp như thoái hóa khớp gối.

Nguyên nhân thứ phát

Giới tính

Phụ nữ ở độ tuổi ngoài 55 tuổi – giai đoạn mãn kinh có nhiều khả năng gặp tình trạng thoái hóa khớp gối nhiều hơn nam giới. Theo thống kê, tỉ lệ phụ nữ mắc thoái hóa khớp gối cao gấp 2 lần so với nam giới, và chủ yếu là phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh.

Nguyên nhân phụ nữ hay gặp tình trạng thoái hóa khớp gối hơn nam giới có thể đến từ việc hệ thống dây chằng quanh khớp gối của họ yếu hơn nên rất dễ bị tổn thương trong quá trình đi lại, vận động. Đồng thời, thói quen đi giày cao gót của chị em cũng gây áp lực trực tiếp lên phần sụn khớp gối, tăng nguy cơ mắc bệnh và làm bệnh tiến triển nhanh hơn.

Thừa cân, béo phì

Trọng lượng cơ thể gây ra áp lực lên khớp gối trong quá trình vận động, đi lại hàng ngày. Do vậy thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân khiến khớp gối chịu áp lực nhiều hơn, nhanh hao mòn và dễ tổn thương.

Thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì – môt trong những yếu tố nguy cơ của bệnh

Vận động quá sức

Vận động nhiều, quá sức do đặc trưng nghề nghiệp như vận động viên, lao động chân tay nặng, thường xuyên khuân vác dẫn đến khớp gối thường xuyên chịu áp lực dẫn đến thoái hóa.

Không thường xuyên vận động

Trường hợp vận động quá sức là yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp gối là điều rất dễ hiểu, tuy nhiên nếu bạn lười vận động khớp gối cũng có nguy cơ thoái hóa nữa đấy.

Bởi lẽ, không thường xuyên vận động các cơ sẽ bị lỏng lẻo, khớp xương mất đi độ linh hoạt vốn có, cấu trúc cơ – xương – dây chằng cũng sẽ có nguy cơ bị sai lệch.

Vì vậy, không nên vận động quá sức, cũng không nên lười vận động. Hãy tập luyện, vận động vừa sức để duy trì sự dẻo dai, linh hoạt của các khớp.

Ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học

Rượu bia, thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề loãng xương, sụn khớp bị phá hủy nghiêm trọng. Chế độ ăn uống thiếu khoa học cũng sẽ khiến cho túi hoạt dịch tiết ra ít chất nhờn hơn, làm cho các khớp không hoạt động trơn tru và dễ bị tổn thương.

Hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, hạn chế rượu, bia, thuốc lá để bảo vệ khớp gối của mình nhé.

Biến chứng thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối gây ra cho người bệnh những cơn đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng cuộc sống. Không những vậy, nếu không kịp thời điều trị bệnh còn gây ra những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động và sức khỏe

+ Biến dạng ở khớp gối: thoái hóa khớp gối lâu dài sẽ làm cho khớp và sụn bị tổn thương, sưng to, đau nhức và biến dạng. Sự biến dạng này có thể quan sát được, phần chi dưới bị cong, vẹo vào bên trong hoặc ra ngoài.

+ Cứng khớp: người bệnh không thể di chuyển bình thường, khó khăn trong việc đứng thẳng người, đi tập tễnh thậm chí phải đi lại nhờ vào trợ giúp của người thân hoặc sử dụng nạng.

+ Teo cơ, liệt cơ: Các cơ từ gối trở xuống dần yếu đi, có cảm giác run chân khi đi lại, lâu dần người bệnh có hiện tượng teo cơ và dần dẫn đến liệt cơ, mất chức năng vận động hoàn toàn.

Bên cạnh những biến chứng thực thể trên, bệnh còn gây ra các rối loạn tâm lý gây lô âu, trầm cảm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày

+ Hiệu quả làm việc giảm: những cơn đau do thoái hóa khớp ảnh hưởng đến khả năng tập trung, cản trở công việc làm hiệu quả công việc giảm sút đáng kể.

+ Ngủ không ngon giấc: những cơn đau cũng khiến cho người bệnh ngủ không ngon giấc. Và việc thường xuyên mất ngủ cũng gây cảm giác mệt mỏi, nặng nề, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

+ Tăng cân: đây là một vòng lặp của những người bị thoái hóa khớp. Họ bị hạn chế vận động do thường xuyên bị đau nhức, cơ thể không được vận động gây nên việc tăng cân không lành mạnh. Khi cơ thể tăng cân, áp lực lên các khớp gối càng nhiều và như thế bệnh lại càng trở nên tồi tệ hơn.

Thoái hóa khớp gối có chữa được không?

Thoái hóa khớp gối là quá trình lão hóa tự nhiên của khớp, do vậy để điều trị dứt điểm bệnh là điều không thể. Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị phục hồi, làm giảm các triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạn chế biến chứng xảy ra trên khớp.

Điều trị thoái hóa khớp gối như thế nào?

Mục đích chính của điều trị thoái hóa khớp gối đó là giảm đau và trả lại khả năng vận động của khớp gối. Việc điều trị thường là sự kết hợp của nhiều phương pháp

Giảm cân

Trường hợp người bệnh thừa cân, béo phì thì việc giảm cân là điều cần thiết nhằm giảm áp lực cân nặng cơ thể lên các khớp, đặc biệt là khớp gối. Đây là biện pháp tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang lại giảm đáng kể tình trạng đau khớp gối do thoái hóa.

Các bài tập thể dục nhẹ nhàng

Việc tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp gối giúp khớp ổn định hơn và giảm đau. Ngoài ra, các bài tập kéo căng cũng giúp khớp gối linh hoạt hơn.

Bài tập thể dục nhẹ nhàng cải thiện thoái hóa khớp gối

Các bài tập nhẹ nhàng tốt cho người thoái hóa khớp gối

Điều trị bằng thuốc

Các thuốc được sử dụng thường là các thuốc giảm đau và thuốc chống viêm, hay sử dụng như ibuprofen, celecoxib, diclofenac, … Không dùng những thuốc này trong thời gian dài (trên 10 ngày) mà không có sự cho phép của bác sĩ. Bởi lẽ nếu sử dụng lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Các liệu pháp thay thế

Một số biện pháp liệu pháp thay thế có thể hiệu quả bao gồm các loại kem bôi có chứa capsaicin, châm cứu, điện châm, thủy châm, cấy chỉ hoặc các chất bổ sung bao gồm: glucosamine, chondroitin hoặc SAMe (S-adenosyl-L-methionine).

Vật lý trị liệu và vận động

Nếu bạn gặp khó khăn với các hoạt động hàng ngày, liệu pháp vật lý hoặc vận động có thể hữu ích. Các nhà vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách tăng cường cơ bắp và tăng tính linh hoạt cho khớp. Chủ yếu nhằm tập cho cơ tứ đầu đùi – đây là cơ chủ lực nhằm giảm áp lực lên khớp gối giúp người bệnh giảm đau trong các hoạt động đi lại, chạy nhảy.

Tiêm corticosteroid hoặc hyaluronic acid vào khớp gối

Corticosteroid là loại thuốc kháng viêm mạnh, có tác dụng giảm sưng đau ở khớp gối.

Khi tiêm hyaluronic acid trong điều trị thoái hóa khớp gối làm tăng nồng độ hyaluronic acid nội sinh, giúp cải thiện chức năng của khớp và giảm đau. Đặc biệt, hiệu quả giảm đau của nó kéo dài trong nhiều tháng.

Biện pháp này có tác dụng trong việc điều trị thoái hóa khớp gối mức độ từ trung bình đến nặng vừa. Nó có lợi ích đặc biệt với bệnh nhân không đáp ứng điều trị với các thuốc giảm đau kháng viêm thông thường.

Điều trị bằng biện pháp ngoại khoa

Khi các phương pháp điều trị khác đều không có hiệu quả thì phẫu thuật là một lựa chọn tốt cho người bệnh.

Nội soi khớp

Phương pháp này sử dụng máy nội soi khớp và các dụng cụ nhỏ khác. Phẫu thuật được thực hiện thông qua một vết mổ nhỏ với mục đích loại bỏ phần sụn bị hư hỏng, làm sạch bề mặt xương và sửa chữa lại các mô bị tổn thương. Thủ thuật này thường được áp dụng cho bệnh nhân trẻ, độ tuổi dưới 55 tuổi nhằm hạn chế những phẫu thuật nghiêm trọng hơn.

Khoan kích thích tủy

Thủ thuật này được áp dụng trong điều trị các tổn thương sụn khớp gối ở cấp độ III và IV, khi sụn khớp gối đã bị tổn thương nặng cần phải tái tạo mới lại.

Phẫu thuật thay khớp hoặc tạo hình khớp

Đây là một thủ tục phẫu thuật trong đó khớp được thay thế bằng các bộ phận nhân tạo làm từ kim loại hoặc nhựa. Việc thay thế có thể liên quan đến một bên gối hoặc toàn bộ gối.

Phẫu thuật thay khớp thường dành cho những người trên 50 tuổi bị thoái hóa khớp nặng và cần phải thực hiện lại phẫu thuật này sau một thời gian nếu khớp giả bị mòn.Tuy nhiên, với những tiến bộ hiện đại ngày nay, hầu hết các khớp nối mới sẽ có tuổi thọ trên 20 năm.

Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Có rất nhiều lầm tưởng cho rằng đi bộ là nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp gối dẫn đến việc người bệnh không vận động hoặc rất ít vận động – điều này hoàn toàn không tốt cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, không phải người bị thoái hóa khớp gối có thể thoải mái vận động bất chấp những cơn đau gây ra.

Việc đi bộ ở người bệnh cần phải thực hiện đúng cách và biết lắng nghe sức khỏe cơ thể. Bạn nên lưu ý đến “cơn đau cơ bản” của mình và chú ý đến khớp gối trong quá trình đi bộ để đảm bảo rằng cơn đau ấy không tăng lên. Bất kể khi nào cơn đau tăng lên, bạn nên dừng lại bài tập đi bộ và nghỉ ngơi.

Khi đi bộ, người bệnh nên giữ tư thế thoải mái nhất, động tác chậm rãi, nhẹ nhàng, giữ thẳng lưng và hít thở đều tránh những bước chân quá dài, quá nhanh sẽ tạo áp lên khớp gối nhiều hơn.

Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì?

Dưới đây là các bài tập cơ tứ đầu đùi mà Hệ thống Nhà thuốc Việt gợi ý đến bạn đọc nhằm giảm áp lực cho khớp gối, cải thiện khả năng hoạt động của đầu gối rất tốt cho người bệnh thoái hóa khớp gối hoặc phòng ngừa thoái hóa khớp gối ở những người có nguy cơ cao bị bệnh

Bài 1

Từ tư thế đứng, dạng hai chân bằng vai, sau đó cố gắng ngồi xổm xuống càng thấp càng tốt. Giữ ở vị trí đó vài giây. Đứng trở về vị trí ban bầu. Thực hiện từ 10 đến 20 lượt.

Bài 2

Đứng tựa lưng vào tường, bắt đầu trượt dọc xuống theo tường cho đến khi đùi và cẳng chân tạo thành một góc 90 độ. Giữ ở tư thế này lâu nhất có thể thì đứng lên, cố gắng giữ thẳng lưng trong suốt quá trình luyện tập nhé.

Bài tập cơ tứ đầu đùi tốt cho khớp gối

Bài tập cơ tứ đầu đùi tốt cho khớp gối

Bài 3

Bước sải dài một chân lên phía trước, khuỵu đầu gối sao cho đùi vuông góc với cẳng chân và song song với mặt sàn, giữ lưng thẳng. Đầu gối của chân còn lại sao cho gần chạm đất. Giữ tư thế đó trong vài giây rồi thực hiện đổi chân.

Bài viết trên đã cho các bạn cái nhìn tổng thể, khái quát về căn bệnh thoái hóa khớp gối – một căn bệnh rất thường hay gặp ở người lớn tuổi. Nếu có bất kỳ khó khăn hay thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Nhà thuốc Việt qua hotline 0398883456 – với kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn, cung cấp các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, chúng tôi tin rằng Hệ thống Nhà Thuốc Việt sẽ hỗ trợ bạn những thông tin đúng và phù hợp nhất.

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi