Hướng dẫn cách điều trị bệnh Tay – Chân – Miệng tại nhà

Bài viết được thực hiện bởi

Dược sĩ Nguyễn Tiến Dũng

Giao mùa là thời điểm thuận lợi cho các căn bệnh có nguy cơ bùng phát, đặc biệt là trên đối tượng trẻ em. Một trong số các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ là bệnh Tay – Chân – Miệng. Đây là căn bệnh có khả năng lây lan nhanh, có thể bùng phát thành dịch.

Tuy nhiên, nếu bệnh mới chớm thì khả năng điều trị khỏi có tỷ lệ rất cao nếu được điều trị đúng cách. Dưới đây, Hệ thống Nhà thuốc Việt sẽ đưa ra hướng dẫn về cách điều trị bệnh Tay – Chân – Miệng tại nhà.

Tổng quan về bệnh Tay – Chân – Miệng

1/ Bệnh Tay – Chân – Miệng là gì?

Bệnh Tay – Chân – Miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt và xuất hiện những nốt mụn nước trên da (lòng bàn tay, lòng bàn chân,…) và trong niêm mạc (trong khoang miệng,…)

Tay – Chân – Miệng là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, cũng như để lại nhiều di chứng nặng nề ở trẻ. Thông thường, các đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu may mắn khỏi bệnh, trẻ sẽ miễn dịch với Tay – Chân – Miệng khi lớn lên, vì trong cơ thể đã có sẵn kháng thể. Một số người lớn có miễn dịch suy giảm, và người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết cả nước cũng nắng mưa thất thường liên tục trong nhiều ngày. Đây được xem là những yếu tố nguy cơ tiềm tàng để bệnh Tay – Chân – Miệng phát triển, lây lan và có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Nổi mụn nước ở khoang miệng trong bệnh Tay – Chân – Miệng

2/ Nguyên nhân của bệnh Tay – Chân – Miệng là gì?

Bệnh Tay – Chân – Miệng xuất hiện là do 2 loại virus thuộc họ Enterovirus gây ra. Thướng gặp nhất là virus Coxsackie A-16. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể nhiễm phải loại virus hiếm gặp hơn là Enterovirus 71. Tuy cả hai loại virus này đều gây ra biểu hiện lâm sàng giống nhau, nhưng nếu mắc enterovirus 71 thì có khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp (như viêm màng não do virus, viêm não hoặc gây tổn thương cơ tim).

3/ Các triệu chứng thường gặp của bệnh Tay – Chân – Miệng

Bệnh Tay – Chân – Miệng là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan ở trẻ, với các triệu chứng không điển hình và điển hình như sau:

  • Các triệu chứng không điển hình gồm có: Sốt, đau họng, chảy nước mũi, tiêu chảy, có thể sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ, vùng hàm dưới hoặc cả hai vùng.
  • Các triệu chứng điển hình bao gồm: Xuất hiện các khu vực tổn thương trên da và niêm mạc dưới dạng mụn nước phồng rộp, dễ vỡ. Sau khi vỡ trở thành các vết loét, khiến trẻ đau đớn và giải phóng dịch chứa virus lây nhiễm cho người lành. Các tổn thương ở da có đường kính khoảng 2 – 10mm, có thể ẩn hoặc hiện trên bề mặt da. Tổn thương ở niêm mạc trong cơ thể có đường kính nhỏ hơn, từ 2 đến 3mm.
Một số triệu chứng của bệnh Tay – Chân – Miệng ở trẻ

4/ Một số biến chứng của bệnh Tay – Chân – Miệng

Thông thường, nếu không xảy ra biến chứng, thì trẻ có thể tự khỏi bệnh Tay – Chân – Miệng mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc bệnh Tay – Chân – Miệng do Enterovirus 71, thì nguy cơ biến chứng là tương đối cao. Các biến chứng thường gặp là sốt cao, mê sảng, co giật,..

5/ Các giai đoạn của bệnh Tay – Chân – Miệng

Sự phát triển của bệnh Tay – Chân – Miệng được xác định là có 4 giai đoạn: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh.

– Giai đoạn ủ bệnh Tay – Chân – Miệng: Kéo dài từ 3 đến 7 ngày sau khi trẻ bị lây nhiễm virus từ nước bọt, vết phồng hay phân của người mắc bệnh. Đa phần trẻ rất dễ nhiễm trong các môi trường kín như trong trường mẫu giáo, hoặc các khu vui chơi công cộng như công viên.

– Giai đoạn khởi phát của bệnh Tay – Chân – Miệng: Thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày sau giai đoạn ủ bệnh (tức từ 4 đến 9 ngày sau khi mắc bệnh Tay – Chân – Miệng). Các triệu chứng của bệnh Tay – Chân – Miệng đều tương tự như bệnh cúm, cụ thể gồm có: Sốt nhẹ hoặc sốt cao, Mệt mỏi nhiều, Đau họng, Biếng ăn, Tiêu chảy nhiều lần trong ngày.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng, tuy trẻ có sốt nhẹ và vừa trong giai đoạn khởi phát, nhưng nếu sốt cao liên tục trên 39 độ C và kéo dài từ 3 ngày trở lên ở trẻ dưới 3 tuổi, thì nhiều khả năng trẻ đã bị biến chứng viêm não. Các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.

– Giai đoạn toàn phát của bệnh Tay – Chân – Miệng: Thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày sau giai đoạn khởi phát (tức từ 7 đến 19 ngày sau khi mắc bệnh Tay – Chân – Miệng). Các triệu chứng chủ yếu của bệnh Tay – Chân – Miệng trong giai đoạn này là Loét miệng, Phát ban và các triệu chứng khác.

  • Loét miệng: Là các tổn thương niêm mạc dưới dạng bóng nước ở miệng, lợi và lưỡi. Nếu vết loét bị vỡ có thể khiến trẻ bị đau miệng, khó ăn hoặc bú, cũng như tăng tiết nước bọt.
  • Phát ban dạng vết bỏng: Ban đầu, chỉ là những vết ban thông thường, có kích thước nhỏ, sau đó to dần. Các vết phát ban thường sẽ tồn tại dưới 7 ngày, sau đó có thể để lại vết sẹo thâm, hoặc khỏi hoàn toàn nếu được điều trị đúng cách. Các vết ban chủ yếu xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trẻ sơ sinh có thể xuất hiện ở vùng mông (khu vực quấn tã), và đầu gối. Nếu phát ban từ màu hồng chuyển sang màu vẩn đục thì là dấu hiệu của bội nhiễm, trường hợp này thường hiếm khi xảy ra.
  • Các dấu hiệu khác: Trẻ có thể bị sốt nhẹ và nôn, nếu sốt cao và nôn nhiều có thể dẫn tới biến chứng khá cao. Các biến chứng về thần kinh, tim mạch hay hô hấp thường chỉ xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 phát bệnh.

Giai đoạn lui bệnh Tay – Chân – Miệng: Sau thời kỳ toàn phát nếu trẻ hồi phục hoàn toàn mà không gặp bất cứ biến chứng nào thì sẽ bước vào giai đoạn lui bệnh.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ bệnh nhân nào mắc bệnh Tay – Chân – Miệng cũng trải qua các giai đoạn phát triển của bệnh giống nhau. Bốn giai đoạn trên nằm trong thể cấp tính. Ngoài ra còn có hai thể lâm sàng khác là:

  • Thể tối cấp của bệnh Tay – Chân – Miệng: Trong thể này, bệnh Tay – Chân – Miệng tiến triển rất nhanh, và dễ xuất hiện các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, bệnh nhân dễ tiến vào tình trạng hôn mê dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 24 đến 48 giờ.
  • Thể không điển hình của bệnh Tay – Chân – Miệng: Trong thể này của bệnh Tay – Chân – Miệng thì các dấu hiệu phát ban không rõ ràng, hoặc chỉ có loét miệng, hay chỉ xuất hiện các triệu chứng thần kinh/ tim mạch/ hô hấp, mà không xuất hiện cả loét miệng và các triệu chứng khác.

Nhà thuốc Việt hướng dẫn cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà

Như các phần chúng tôi đã đề cập ở phía trên, bệnh Tay – Chân – Miệng có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho trẻ, ví dụ như viêm não hoặc viêm cơ tim.

Như vậy, để đảm bảo an toàn, ngay khi vừa thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh Tay – Chân – Miệng, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và được xử lý kịp thời. Có 2 tình huống có thể xảy ra: Thứ nhất là trường hợp nặng, cần nhập viện để điều trị chuyên sâu. Thứ hai là trường hợp nhẹ, gia đình có thể tự điều trị và điều dưỡng tại nhà.

Dưới đây Nhà thuốc Việt xin đưa ra các hướng dẫn về cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ:

  • Hiện nay, chưa có vắc xin đặc hiệu giúp phòng ngừa bệnh. Khi điều trị bệnh Tay – Chân – Miệng tại nhà bằng thuốc, chủ yếu là theo hướng làm giảm các triệu chứng sốt, ngứa và giảm đau họng.
  • Không nên tự ý cho trẻ dùng các loại kháng sinh khi điều trị bệnh Tay – Chân – Miệng tại nhà, trừ khi các vết loét xuất hiện tình trạng bội nhiễm và được bác sĩ kê đơn.
  • Thuốc hạ sốt nên dùng khi trẻ sốt cao (trên 38,5 độc C). Lúc này ta có thể cho trẻ sử dụng viên sủi Efferalgan với liều lượng từ 10 đến 15mg/kg cân nặng mỗi 4 đến 6 giờ.
  • Nếu trẻ ngứa nhiều, dùng biện pháp tắm hoặc lau người cho trẻ nhằm giúp bé dễ chịu hơn. Không nên để trẻ trực tiếp gãi trên vết mụn nước sẽ gây trầy xước và làm bội nhiễm thêm.
  • Các vết loét ở miệng có thể khiến trẻ đau, quấy khóc và không chịu ăn uống gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Các bậc cha mẹ có thể giải quyết tình trạng này bằng cách phân các bữa chính thành nhiều bữa nhỏ, tránh cho trẻ ăn các món mặn, chua và cay vì có thể làm tăng kích ứng khiến trẻ khó chịu thêm. Nên cho trẻ ăn các loại thức ăn có dạng lỏng, mềm, dễ nuốt. Cho trẻ uống nhiều nước (khoảng 1 đến 2 lít nước/ ngày). Có thể cho trẻ ăn thêm các loại thức ăn lạnh như sữa chua hoặc kem cũng giúp làm dịu tình trạng kích ứng.
Nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng khi mắc bệnh Tay – Chân – Miệng
  • Một số loại thức ăn phù hợp cho bé dùng khi mắc bệnh Tay – Chân – Miệng có thể kể đến như: rau xanh, trứng, sữa, các món hầm, các món canh và súp,…, các loại hoa quả như khoai tây, đu đủ, dưa hấu,…
  • Sau mỗi bữa ăn nên cho trẻ súc miệng để làm giảm tình trạng kích ứng với vết loét tại chỗ trong miệng.
  • Khi có các triệu chứng tăng nặng như sốt cao, lơ mơ, mê sảng, nên cho trẻ tái khám ngay để được xử lý kịp thời.

Kết luận

Bài viết của chúng tôi tới đây là kết thúc. Hy vọng rằng những hướng dẫn cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà trên đây của Hệ thống Nhà thuốc Việt đã trang bị cho bạn những kiến thức phù hợp để có thể áp dụng khi con của bạn không may mắc phải bệnh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại mà liên hệ trực tiếp với các Dược sĩ Tư vấn của chúng tôi.

Cảm ơn Quý Độc giả đã quan tâm, theo dõi website của chúng tôi!

———————————————

Hệ thống Nhà thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành vì sức khỏe của bạn và gia đình!

• Website: https://nhathuocviet.vn

• Hotline/Zalo: 0985508450

• Fanpage: https://fb.com/hethongnhathuocviet

• Địa chỉ chi nhánh 1: Số 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, TP HCM

• Địa chỉ chi nhánh 2: Số 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP HCM

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi