Gãy xương đòn: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Bài viết được thực hiện bởi

Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại

Gãy xương đòn là một chấn thương phổ biến, thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, do xương đòn nằm ở vị trí dễ bị va đập. Xương đòn nối liền xương ức với xương bả vai, giúp bảo vệ cấu trúc quan trọng bên trọng, và hỗ trợ cánh tay vận động. Khi bị gãy xương đòn, bạn sẽ cảm thấy đau đớn và gặp khó khăn khi cử động cánh tay. Nếu không được điều trị kịp thời, thì tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Hãy tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả cho chấn thương này qua bài viết dưới đây của Hệ thống Nhà thuốc Việt nhé.

Gãy xương đòn là gì? Vị trí của xương đòn ở đâu?

Gãy xương đòn (hay gãy xương quai xanh) là một chấn thương khá phổ biến, chiếm khoảng 5% các ca gãy xương ở người trưởng thành. Thông thường, gãy xương đòn xảy ra khi ngã kèm đập vai hoặc chống tay xuống đất, tạo áp lực mạnh khiến xương đòn bị gãy.

Về mặt giải phẫu, xương đòn nằm dưới da ở vùng vai, nối xương ức với hệ thống đai vai – cánh tay. Nó hoạt động như một thanh chống, giúp khớp vai hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, xương đòn còn bảo vệ các cấu trúc quan trọng như mạch máu, đám rối thần kinh cánh tay và phổi nằm bên trong. Tuy nhiên, những cấu trúc này hiếm khi bị tổn thương khi xương đòn gãy.

Đa số các trường hợp gãy xương đòn có thể điều trị bằng cách đeo đai cố định để giữ cánh tay và vai không cử động, giúp xương lành lại. Tuy nhiên, với những vết gãy phức tạp, các mảnh xương có thể di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Trong những trường hợp này, phẫu thuật có thể cần thiết để căn chỉnh lại xương đòn.

Gãy xương đòn do chấn thương tương đối phổ biến

Nguyên nhân gãy xương đòn

Gãy xương đòn thường do tác động trực tiếp lên vai. Điều này thường xảy ra khi ngã kèm đập vai xuống đất hoặc bị tai nạn như va chạm ô tô. Ngoài ra, ngã trong tư thế cánh tay dang rộng như tư thế chống tay xuống đất cũng có thể gây gãy xương đòn. Ở trẻ sơ sinh, gãy xương đòn có thể xảy ra trong quá trình sinh nở.

Các yếu tố nguy cơ của gãy xương đòn

  • Trẻ em có nguy cơ gãy xương đòn cao hơn vì xương của chúng còn mềm và chưa phát triển hoàn toàn.
  • Trẻ tham gia các môn thể thao đối kháng như bóng đá cũng như người lớn chơi các môn thể thao này đều có nguy cơ cao.
  • Phụ nữ lớn tuổi dễ bị gãy xương đòn do loãng xương và dễ té ngã.

Gãy xương đòn có nguy hiểm không? Biến chứng của gãy xương đòn là gì?

Gãy xương đòn thường không nguy hiểm vì xương đòn có lớp màng xương dày và vị trí thuộc phần lồng ngực, nơi có nguồn tưới máu dồi dào giúp xương dễ lành. Mặc dù nằm gần các dây thần kinh và mạch máu quan trọng nhưng khi xương đòn gãy và di lệch, nó hiếm khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng.

Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp phức tạp, các mảnh xương vỡ có thể đâm vào dây thần kinh cánh tay hoặc động mạch dưới đòn gây chảy máu hoặc yếu liệt tay cùng bên. Nếu mảnh xương đâm vào đỉnh phổi có thể gây tràn khí hoặc tràn máu màng phổi, dẫn đến suy hô hấp thậm chí đe dọa tính mạng. Những người gãy cả hai xương đòn cùng lúc có thể gặp khó khăn khi thở do đau khi xương di chuyển.

Trong quá trình hồi phục, một số biến chứng của gãy xương đòn mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:

  • Không liền xương (Nonunion): Đây là tình trạng xương không thể tự lành lại. Theo định nghĩa của FDA, không liền xương xảy ra khi vết gãy tồn tại ít nhất chín tháng mà không có dấu hiệu lành trong ba tháng liên tiếp.
  • Liền xương sai (Malunion): Xảy ra khi xương bị lệch vị trí trước khi liền và liền lại không đúng cách.
  • Cả hai biến chứng này có thể cần điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, một số người gặp phải biến chứng này lại không cảm thấy quá đau đớn và vẫn duy trì được phạm vi chuyển động bình thường của khớp.

Gãy xương đòn trong số ít trường hợp có thể gây tràn khí màng phổi đe dọa tính mạng

Phân loại gãy xương đòn

Phân loại gãy xương đòn theo Allman dựa trên vị trí gãy trên xương đòn và được chia thành ba nhóm chính:

  • Nhóm 1: Gãy thân xương đòn (khoảng 70%).
  • Nhóm 2: Gãy đầu ngoài xương đòn (gần 30%).
  • Nhóm 3: Gãy đầu trong xương đòn (2-3%).

Triệu chứng của gãy xương đòn

Gãy xương đòn có thể rất đau và làm khó khăn trong việc di chuyển cánh tay. Các triệu chứng của gãy xương đòn có thể bao gồm:

  • Vai xệ xuống và ra phía trước.
  • Không thể nâng cánh tay do đau.
  • Cảm giác rít, có tiếng lạo xạo khi cố gắng nâng cánh tay hoặc vận động vai.
  • Biến dạng hoặc có bướu trên vùng gãy.
  • Bầm tím, sưng vùng trên xương đòn.
  • Có thể thấy đầu xương đòn lệch và đẩy lồi ra da tạo thành hình ảnh lều da.
  • Ở trẻ sơ sinh, việc không vận động cánh tay sau sinh có thể là dấu hiệu của gãy xương đòn.

Lều da do đầu xương đòn gãy đẩy lên

Chẩn đoán gãy xương đòn

1/ Thăm khám

Bác sĩ sẽ hỏi về tình huống xảy ra chấn thương và các triệu chứng bạn gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ vùng vai. Nếu xương đòn bị gãy, thường sẽ có biến dạng rõ rệt hoặc sưng tại chỗ gãy. Khi ấn nhẹ vào khu vực này, bạn sẽ cảm thấy đau. Dù hiếm khi xương gãy đâm qua da, xương đòn gãy vẫn có thể đẩy da lên tạo thành hình lều. Trong một vài trường hợp, bác sĩ cũng sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chắc chắn rằng không có dây thần kinh hoặc mạch máu nào bị tổn thương.

2/ Chụp phim

Bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang để xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của gãy xương. Đối với gãy xương đòn, phim X-quang hầu như đã đủ để giúp chẩn đóng trong đa số trường hợp.

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang toàn bộ vai để kiểm tra xem có tổn thương nào khác không. Nếu phát hiện các xương khác bị gãy, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính (CT) để có cái nhìn chi tiết hơn về những chấn thương này.

Làm gì khi bạn nghi ngờ mình bị gãy xương đòn?

Nếu bạn nghi ngờ xương đòn của mình bị gãy, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Trước khi gặp bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm đau và bảo vệ khu vực bị thương:

  • Cố định cánh tay và vai: Giữ cánh tay sát vào cơ thể và giữ bằng cánh tay kia hoặc sử dụng dây đeo.
  • Chườm đá: Áp túi đá chườm lên vùng bị thương trong 20-30 phút để giảm sưng. Hãy đảm bảo không để đá tiếp xúc trực tiếp với da để tránh bị tê cóng.
  • Sử dụng thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc các thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen hoặc Meloxicam có thể giúp giảm đau. Tuy nhiên, tránh dùng thuốc bôi tại chỗ nếu có vết thương hở, vì bạn có thể cần phẫu thuật để làm sạch vết thương.
  • Theo dõi dấu hiệu chấn thương nặng hơn: Nếu bạn cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu ở tay hoặc cánh tay, hoặc nếu chấn thương gần xương ức gây khó thở hoặc khó nuốt, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Cố định cánh tay khi bị gãy xương đòn giúp bảo vệ khu vực bị thương

Điều trị gãy xương đòn

Khi nghi ngờ gãy xương đòn dù X-quang bình thường, việc điều trị cần được tiến hành như với trường hợp gãy xương, đặc biệt là ở trẻ em. Điều trị gãy xương đòn bao gồm hai phương pháp: không phẫu thuật và phẫu thuật.

1/ Điều trị không phẫu thuật

Đối với gãy xương giữa thân đòn, thường được điều trị bằng cách cố định bằng dây đeo hoặc băng hình số 8. Phương pháp này thường cho kết quả tốt, với tỷ lệ không liền xương thấp và ít suy giảm chức năng.

  • Các phương pháp điều trị gãy xương đòn không phẫu thuật bao gồm:
    • Hỗ trợ cánh tay: Sử dụng dây đeo đơn giản để giữ cố định vai và cánh tay trong quá trình hồi phục.
    • Thuốc giảm đau: Sử dụng thuốc như acetaminophen để giảm đau trong thời gian xương đang lành.
    • Vật lý trị liệu: Thực hiện các bài tập vận động để duy trì sự linh hoạt của cánh tay, ngăn ngừa cứng vai và khuỷu tay. Người bệnh thường bắt đầu tập các bài tập cho khuỷu tay ngay sau chấn thương.
  • Tác dụng không mong muốn của điều trị không phẫu thuật:
    • Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ không liền xương có thể lên tới 15-17%, kèm theo các kết quả không tối ưu như đau kéo dài, kích ứng đám rối thần kinh cánh tay và biến dạng thẩm mỹ.

2/ Điều trị bằng phẫu thuật

  • Chỉ định phẫu thuật bắt buộc:
    • Gãy hở.
    • Tổn thương da hoặc hình thành lều da.
    • Tổn thương thần kinh hoặc mạch máu.
    • Gãy cổ xương bả vai.
    • Malunion (liền xương sai): Khi các mảnh xương bị di lệch và xương lành sai vị trí, tuy nhiên, điều trị phẫu thuật cho trường hợp này khá hiếm và phụ thuộc vào mức độ di lệch, triệu chứng đau nhiều hay ít và mức độ ảnh hưởng đến cử động của người bệnh.
    • Lệch nhiều: Nếu các mảnh xương gãy bị lệch nhiều, bác sĩ có thể khuyên bạn phẫu thuật.
  • Chỉ định phẫu thuật tương đối:
    • Tuổi và mức độ hoạt động của người bệnh.
    • Sự thuận tay và nghề nghiệp của người bệnh.
    • Phẫu thuật thường liên quan đến việc đưa các mảnh xương gãy trở lại vị trí ban đầu và giữ chúng cố định cho đến khi lành. Điều này giúp cải thiện sức mạnh của vai sau khi phục hồi.
    • Phương pháp nắn chỉnh và cố định bên trong là phổ biến nhất. Trong quá trình này, các mảnh xương được đưa về vị trí bình thường và giữ cố định bằng phần cứng kim loại đặc biệt.
  • Các kỹ thuật trong phương pháp nắn chỉnh và cố định bên trong bao gồm:
    • Sử dụng tấm kim loại và ốc vít:
      • Sau khi đưa các mảnh xương về vị trí bình thường, chúng được cố định bằng ốc vít và tấm kim loại gắn vào bề mặt xương. Sau phẫu thuật, có thể cảm thấy một mảng da nhỏ dưới vết mổ bị tê, nhưng cảm giác này sẽ giảm dần. Vì xương đòn nằm ngay dưới da, bạn có thể cảm nhận được tấm kim loại qua da. Các tấm và ốc vít thường không được tháo ra trừ khi gây khó chịu.
      • Trong trường hợp lệch nhiều, góc lệch, hoặc gãy nhiều mảnh: Cố định bên trong với tấm kim loại và ốc vít hoặc thiết bị tủy xương (như đinh titan đàn hồi tủy xương) thường cho kết quả thẩm mỹ và tỷ lệ liền cao hơn.
      • Đối với những bạn lo ngại về vấn đề thẩm mỹ, phương pháp cố định bên trong bằng tấm kim loại và ốc vít có thể giúp tránh các biến dạng khó coi.
    • Ghép ghim hoặc ốc vít:
      • Ghim hoặc ốc vít cũng có thể được sử dụng để giữ xương gãy ở vị trí tốt. Vết rạch để đặt ghim hoặc ốc vít thường nhỏ hơn so với dùng tấm kim loại.
      • Tuy nhiên, ghim hoặc ốc vít thường gây kích ứng da và sẽ được gỡ bỏ khi xương lành.

Phẫu thuật giúp đưa các mảnh xương gãy trở lại vị trí ban đầu

3/ Điều trị các cơn đau

Sau phẫu thuật, bạn sẽ cảm thấy đau. Sử dụng đá và thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Ibuprofen thường đủ để giảm đau. Nếu đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh như opioid trong vài ngày. Lưu ý rằng opioid có thể gây nghiện và nên được sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

4/ Tập phục hồi chức năng

Bác sĩ có thể cung cấp phương án tập luyện phục hồi tại nhà hoặc đề nghị khám với bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu. Các bài tập cụ thể sẽ giúp phục hồi cử động và tăng cường sức mạnh vai. Thông thường bạn sẽ được bắt đầu với các bài tập vận động nhẹ nhàng và dần dần thêm các bài tập tăng cường khi xương lành.

Có những rủi ro liên quan đến phẫu thuật, bao gồm:

  • Nhiễm trùng.
  • Chảy máu.
  • Vấn đề với lành vết thương.
  • Đau.
  • Hình thành cục máu đông.
  • Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh.
  • Phản ứng với thuốc gây mê.
  • Rủi ro đặc thù của phẫu thuật gãy xương đòn.
  • Khó khăn trong việc lành xương.
  • Tổn thương phổi.
  • Tê dưới xương đòn.
  • Kích ứng phần cứng.

Gãy xương đòn bao lâu lành?

Thời gian để xương đòn lành lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, vị trí gãy và số lượng mảnh xương gãy. Ở trẻ em dưới 8 tuổi, xương đòn thường lành trong khoảng 4-5 tuần. Với thanh thiếu niên, thời gian lành có thể kéo dài từ 6-8 tuần. Đối với người lớn và thanh thiếu niên đã ngừng phát triển, quá trình lành xương thường kéo dài từ 10-12 tuần và đôi khi lâu hơn.

Phần lớn các trường hợp gãy xương đòn ở người lớn sẽ lành hoàn toàn sau khoảng 4 tháng. Tuy nhiên đối với những trường hợp gãy xương nhiều mảnh thường cần thời gian lâu hơn để lành so với những trường hợp gãy xương ít mảnh.

Những trường hợp hút thuốc lá nhiều năm, nghiện rượu, cao tuổi, ăn uống thiếu chất… thời gian lành thương cũng có thể kéo dài hơn dự kiến.

Làm gì trong khi chờ xương đòn gãy lành?

Trong vài ngày đầu sau khi gãy xương đòn, bạn nên cố gắng di chuyển các ngón tay, cổ tay và khuỷu tay để tránh cứng khớp. Khi cơn đau giảm, bạn có thể bắt đầu nhẹ nhàng di chuyển khớp vai để tránh tình trạng cứng khớp vai. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn một số động tác hoặc giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên về vật lý trị liệu.

Sau khi xương bắt đầu lành, khả năng cử động của vai thường không bị hạn chế. Tuy nhiên, việc tăng cường sức mạnh cho vai và cánh tay nên chờ đến khi xương hoàn toàn lành. Chỉ thực hiện các bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn muốn duy trì thể lực, bạn có thể bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc đạp xe sau vài tuần, nhưng cần có sự cho phép của bác sĩ.

Trong suốt quá trình hồi phục, người bệnh gãy xương đòn sẽ được tư vấn tái khám bác sĩ định kỳ để kiểm tra tiến trình lành xương. Bác sĩ sẽ chụp X-quang để đảm bảo xương đang lành đúng vị trí và xử trí phù hợp khi phát hiện tình trạng liền xương sai. Khi xương đã lành, bạn có thể dần dần trở lại các hoạt động bình thường.

Nên ăn gì khi bị gãy xương đòn

Sau khi bị gãy xương, xương của bạn cần được xây dựng lại. Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng quan trọng có thể giúp đẩy nhanh quá trình đó. Dưới đây là danh sách một số thực phẩm mà người bệnh gãy xương đòn nên ăn:

  • Protein
    • Cấu trúc xương chứa khoảng 50% protein, cần thiết để xây dựng xương mới và hỗ trợ hấp thụ canxi.
    • Nguồn: Thịt, cá, sữa, phô mai, hạt, đậu, sản phẩm từ đậu nành, ngũ cốc.
  • Canxi
    • Canxi giúp xây dựng xương chắc khỏe, người lớn cần 1,000-1,200 mg mỗi ngày.
    • Nguồn: Sữa, sữa chua, phô mai, rau xanh, cá hộp, sữa hạnh nhân, ngũ cốc.
  • Vitamin D
    • Giúp hấp thụ canxi và tăng cường khoáng chất cho xương.
    • Nguồn: Cá kiếm, cá hồi, dầu gan cá, lòng đỏ trứng, sữa bổ sung, nước cam bổ sung.
  • Vitamin C
    • Giúp tạo collagen, quan trọng cho cấu trúc xương.
    • Nguồn: Trái cây họ cam quýt, kiwi, quả mọng, cà chua, ớt, khoai tây, rau xanh.
  • Sắt
    • Thiếu máu do thiếu sắt có thể làm chậm quá trình lành xương.
    • Nguồn: Thịt đỏ, gà/turkey đậm, cá béo, trứng, trái cây khô, rau xanh, ngũ cốc.
  • Kali
    • Giảm mất canxi qua nước tiểu.
    • Nguồn: Chuối, nước cam, khoai tây, hạt, cá, thịt, sữa.

Bên cạnh đó, một số thực phẩm mà người bệnh gãy xương đòn nên kiêng/tránh bao gồm:

  • Rượu: Làm chậm quá trình lành xương và tăng nguy cơ té ngã.
  • Muối: Tăng mất canxi qua nước tiểu.
  • Cà phê: Quá nhiều caffeine làm chậm lành xương và tăng mất canxi.

Bổ sung các thực phẩm cần thiết giúp quá trình hồi phục sau gãy xương đòn nhanh hơn

Kết luận

Gãy xương đòn là một chấn thương phổ biến nhưng có thể điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán và xử lý đúng cách. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời là rất quan trọng. Phương pháp điều trị có thể bao gồm cả phẫu thuật và không phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Người bệnh gãy xương đòn cần lưu ý tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ về tập luyện và ăn uống trong quá trình phục hồi.

Nhà Thuốc Việt hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về chẩn đoán và điều trị gãy xương đòn.

———————————————

Tài liệu tham khảo

1/ https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/clavicle-fractures

2/ https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/clavicle-fracture-broken-collarbone

3/ https://www.upmc.com/services/sports-medicine/conditions/clavicle-fracture

4/ https://radiopaedia.org/articles/clavicular-fracture

———————————————

Hệ thống Nhà thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành vì sức khỏe của bạn và gia đình!

• Website: https://nhathuocviet.vn

• Hotline: 0985508450.

• Fanpage: https://fb.com/hethongnhathuocviet

• Địa chỉ số 1: Số 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, TP HCM.

• Địa chỉ số 2: Số 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP HCM.

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi