Cách trồng nấm linh chi và những kỹ thuật cần biết

Bài viết được thực hiện bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền

Nấm linh chi là một loại dược liệu quý, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Việt sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về nấm linh chi, quy trình, phương pháp và kỹ thuật trồng nấm linh chi. Từ đó, bài viết có thể là nguồn tham khảo giúp bạn có góc nhìn tổng quan về cách thức trồng nấm linh, từ đó đưa ra quyết định về định hướng nuôi trồng.

Nấm linh chi là gì?

Nấm linh chi là một loại nấm quý hiếm, được sử dụng trong y học truyền thống và được coi là có giá trị dinh dưỡng cao. Nấm linh chi có hình dạng và màu sắc đa dạng, nhưng thường có hình dạng bầu dục hoặc tròn, màu nâu đỏ hoặc đen và có vân nổi trên bề mặt.

Nấm linh chi thường mọc tại các khu rừng nhiệt đới hoặc nơi có khí hậu lạnh, thời tiết mát như vùng núi. Chúng sinh trưởng bằng cách bám vào thân các cây gỗ già, trong đó, loại.

Nấm linh chi được chia thành nhiều loại khác nhau, ví dụ như linh chi đen, linh chi vàng, linh chi đỏ, linh chi tím đỏ, linh chi trắng và linh chi xanh. Trên thế giới, nấm linh chi đỏ là loại được nhiều người biết và sử dụng nhiều nhất do tính phổ biến và dược tính mạnh. Tại Việt Nam, giống nấm linh chi xanh Quảng Nam là loại có sẵn trong tự nhiên, ngoài ra còn các loại nấm khác được nhập khẩu giống và nuôi trồng trong nước.

Nấm linh chi
Nấm linh chi

Tác dụng của nấm linh chi trong chăm sóc sức khỏe

Nấm linh chi luôn được biết đến với những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện để khẳng định tác dụng của nấm linh chi đối với người sử dụng. Dưới đây là một số tác dụng của nấm linh chi:

  • Nấm linh chi có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại mệt mỏi và trầm cảm, và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Nấm linh chi có đặc tính chống ung thư, tiêu diệt các tế bào ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư ruột già.
  • Nấm linh chi cũng có thể giúp tăng hoạt động của các tế bào bạch cầu, giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tuy nhiên, nấm linh chi được khuyến cáo sử dụng như thực phẩm chức năng, bổ sung cho phương pháp điều trị. Nấm linh chi không phải là thuốc và chứ không được dùng để thay thế thuốc chữa bệnh.

>>> Tìm hiểu thêm: Nấm linh chi rừng: Nguồn gốc và công dụng thiết thực đối với sức khỏe

Thời vụ trồng nấm linh chi

Thời gian tốt nhất để trồng nấm linh chi là từ tháng 1 đến tháng 10. Trên thực tế, nấm linh chi có khả năng thích ứng với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, do đó chúng có thể được trồng quanh năm. Tuy nhiên, lượng mưa và độ ẩm sau tháng 10 tương đối cao nên có thể làm cho nấm bị nhiễm bệnh hoặc không phát triển đều, làm giảm năng suất tối đa.

Lựa chọn và xử lý nguyên liệu trồng nấm linh chi

Nguyên liệu trồng nấm linh chi

Nấm linh chi có thể được trồng trên nhiều loại nguyên liệu khác nhau, trong đó phổ biến nhất là mùn cưa tươi, khô của các loại gỗ mềm, không có tinh dầu và độc tố. Ngoài ra còn có thể trồng Linh Chi từ nguyên liệu là thân gỗ, bã mía, các cây thuộc họ thân thảo.

Một số nguyên vật liệu cũng cần được chuẩn bị bao gồm: túi nilon chịu nhiệt, bông nút, cổ nút, nước sạch và các phụ gia khác (nếu cần).

Phương pháp xử lý nguyên liệu trồng nấm linh chi

Phương pháp đóng túi:

  • Mùn cưa trồng nấm linh chi cần được tạo ẩm và ủ tương tự như xử lý mùn cưa trồng mộc nhĩ.
  • Mùn cưa cần được phối trộn thêm các phụ gia đóng vào túi theo kích thước để khối lượng túi đạt 1,1-1,4kg.

Tiếp theo, túi nấm sẽ được đưa vào thanh trùng để tiêu diệt các vi khuẩn và tạo ra điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của nấm linh chi.

Nấm linh chi được trồng theo phương pháp đóng túi
Nấm linh chi được trồng theo phương pháp đóng túi

Phương pháp thanh trùng:

  • Phương pháp 1: Hấp cách thuỷ ở nhiệt độ 100 độ C trong thời gian từ 10-12 giờ
  • Phương pháp 2: Thanh trùng bằng nồi áp suất ở nhiệt độ 119-126 độ C (áp suất đạt 1,2-1,5at) trong thời gian 90-120 phút

Cấy giống trồng nấm linh chi

Người trồng nấm linh chi cần chuẩn bị:

  • Phòng cấy giống sạch sẽ,được thanh trùng định kỳ bằng bột lưu huỳnh
  • Dụng cụ cấy giống đã được thanh trùng, bao gồm: que cấy, panh kẹp, đèn cồn, bàn cấy, cồn sát trùng
  • Nguyên liệu trồng nấm linh chi đã chuẩn bị ở bước trên, đã được thanh trùng, để nguội
  • Giống nấm linh chi: giống phải đúng tuổi, không bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn

Phương pháp cấy giống:

  • Phương pháp 1: Cấy giống trên que gỗ. Người trồng cần tạo lỗ ở túi nguyên liệu có đường kính 1,8-2cm, sâu 15-17cm. Khi cấy giống túi nguyên liệu phải được đặt gần đèn cồn và túi giống. Người trồng gắp từng que ở túi giống cấy vào túi nguyên liệu.
  • Phương pháp 2: Cấy giống trên hạt. người trồng sử dụng que cấy khều nhẹ giống cho đều trên bề mặt túi nguyên liệu, lưu ý không để dập nát giống. Mỗi túi nguyên liệu cần khoảng 10-15 gram giống.

Cấy giống nấm linh chi trên que củi
Cấy giống nấm linh chi trên que củi

Một số lưu ý trong giai đoạn này:

  • Giống cấy phải đảm bảo đúng độ tuổi.
  • Trước khi cấy giống, người trồng cần lau miệng chai giống bằng cồn, bóc tách lớp màng trên bề mặt và không để hạt giống bị nát.
  • Suốt quá trình cấy giống, chai giống phải luôn để nằm ngang.
  • Sau khi cấy giống, người trồng phải đậy nút bông lại, đưa túi vào khu vực ươm.
  • Phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ phòng cấy giống.

Giai đoạn ươm túi trồng nấm linh chi

Người trồng nấm linh chi cần chuẩn bị:

Nhà ươm túi đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Sạch sẽ, đã được thanh trùng định kỳ bằng bột lưu huỳnh
  • Thông thoáng, độ ẩm từ 75% đến 85%
  • Ánh sáng yếu, nhiệt độ 20-30 độ C

Phương pháp ươm túi trồng nấm linh chi:

  • Người trồng vận chuyển túi nguyên liệu vào nhà ươm và đặt trên các giàn giá hoặc xếp thành luống sao cho khoảng cách giữa các túi là 2-3cm. Các giàn luống cần có khoảng cách rộng hơn để tạo lối đi kiểm tra.
  • Trong thời gian ươm, túi nguyên liệu không được tưới nước, người trồng cần hạn chế tối đa di chuyển túi.
  • Trong quá trình sợi nấm phát triển, người trồng cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện túi bị nhiễm khuẩn thì cần phải loại bỏ ngay khỏi khu vực ươm.

Giai đoạn chăm sóc, thu hái nấm linh chi

Chăm sóc nấm linh chi

Nhà trồng nấm đảm bảo:

  • Sạch sẽ, thông thoáng
  • Có mái chống mưa dột
  • Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển từ 22- 28 độ C
  • Độ ẩm không khí đạt 80-90%
  • Ánh sáng khuếch tán (mức độ đọc sách được) và chiếu đều từ mọi phía
  • Kín gió
  • Trong nhà có hệ thống giàn giá để tăng diện tích sử dụng

Trồng nấm linh chi trong nhà kín đảm bảo độ ẩm không khí phù hợp
Trồng nấm linh chi trong nhà kín đảm bảo độ ẩm không khí phù hợp

Các phương pháp thu hái nấm linh chi

Nấm linh chi có thể thu hái theo một trong hai phương pháp sau:

Phương pháp không phủ đất

  • Tính từ ngày cấy giống đến khi rạch túi khoảng 25-30 ngày, sợi nấm sẽ ăn kín ¾ túi. Người trồng tiến hành rạch 2 vết rạch sâu vào trong túi 0,2-0,5cm, đối xứng trên bề mặt túi nấm. Túi nấm cần được đặt trên giàn, các túi cách nhau 2-3cm, tránh chạm vào nhau.
  • Tiếp sau đó từ 7 – 10 ngày đầu chủ yếu tiến hành tưới nước trên nền nhà, đảm bảo độ ẩm 80-90%, thông thoáng vừa phải.
  • Khi quả thể nấm bắt đầu mọc từ các vết rạch hoặc qua nút bông thì người trồng có thể tưới phun sương nhẹ vào túi nấm mỗi ngày từ 1-3 lần (tùy theo điều kiện thời tiết). Chế độ chăm sóc như trên được duy trì liên tục cho đến khi viền trắng trên vành mũ quả thể không còn nữa là hái được.

Phương pháp phủ đất

Người trồng chuẩn bị đất phủ nấm như sau:

  • Khi sợi nấm đã ăn kín khoảng ¾ túi, người trồng cần gỡ bỏ nút bông, mở miệng túi, phủ lên trên bề mặt một lớp đất có chiều dày 2-3cm.
  • Trong trường hợp đất phủ khô, người trồng phải tưới phun sương để đất ẩm trở lại. Tuyệt đối không tưới nhiều, nước thấm xuống nền cơ chất sẽ gây nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến quá trình hình thành quả thể nấm.
  • Trong thời gian 7-10 ngày đầu (kể từ lúc phủ đất) cần duy trì độ ẩm không khí trong nhà đạt 80-90% bằng cách tưới nước thường xuyên trên nền nhà.
  • Khi quả thể bắt đầu nhô lên trên mặt đất, người trồng cần duy trì độ ẩm liên tục cho đến khi thu hái. Thời gian này đến khi thu hoạch thường kéo dài khoảng 65-70 ngày.
  • Khi đó ngoài việc duy trì độ ẩm trong phòng thì ta còn phải tưới phun sương nhẹ trực tiếp trên bề mặt đất phủ 1-3 lần trong ngày (tùy theo điều kiện thời tiết) mục đích để giúp đất phủ luôn duy trì độ ẩm (tương tự độ ẩm của đất trồng rau). Việc chăm sóc như trên kéo dài liên tục cho tới khi viền màu trắng trên mũ nấm không còn nữa, lúc đó nấm đến tuổi thu hái.

Thu hái nấm linh chi

  • Quả thể nấm sau khi thu hái được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy khô.
  • Độ ẩm của nấm khô dưới 13%, tỷ lệ khoảng 3kg tươi được 1 kg khô.
  • Khi thu hái hết đợt 1, tiến hành chăm sóc như lúc ban đầu để tận thu đợt 2.
  • Khi kết thúc đợt nuôi trồng cần phải vệ sinh và thanh trùng nhà xưởng bằng phoóc môn với nồng độ 0,5-1%.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn các cách nấu trà nấm linh chi bồi bổ, giải khát

Kết luận

Trồng nấm linh chi đòi hỏi kỹ thuật cao và phải tuân thủ các quy trình chính xác để đạt được hiệu quả tốt nhất. Để trồng nấm linh chi, người trồng cần chuẩn bị đủ không gian các phòng cấy giống, ươm giống và chăm sóc nấm cũng như tuân thủ tuyệt đối các kỹ thuật để có thành phẩm nấm tốt.

———————————————

Hệ thống Nhà Thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành vì sức khỏe của bạn và gia đình!

– Website: nhathuocviet.vn

– Hotline/Zalo: 0985508450

– Fanpage: fb.com/hethongnhathuocviet

– Địa chỉ chi nhánh 1: Số 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, TP HCM

– Địa chỉ chi nhánh 2: Số 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP HCM

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi