Ảnh hưởng của nicotin trong thuốc lá tới việc dùng thuốc

Trong quá trình phải uống thuốc điều trị bệnh, rất nhiều người vẫn hút thuốc lá. Vậy, ảnh hưởng của thuốc lá tới thuốc chữa bệnh như thế nào?

Thuốc lá không chỉ gây tương tác bất lợi trong thời gian dùng thuốc chữa bệnh mà còn gây ra nhiều tác dụng bất lợi khác trong quá trình mang bệnh làm cho việc dùng thuốc sẽ khó đạt hiệu quả. Nicotin là một chất có trong thuốc lá, gây ra các tác dụng trái ngược nhau trên hệ thần kinh giao cảm: Lúc đầu kích thích hạch phó giao cảm gây giãn mạch, hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Ngay sau đó lại kích thích hạch phó giao cảm và tuyến thượng thận làm tăng adrealin, gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng tiết dịch vị, đồng thời làm giãn đồng tử, tăng nhu động ruột. Cuối cùng, với liều cao sẽ làm khó thở, suy và liệt hô hấp. Những tác động này sẽ ảnh hưởng đến nhiều thuốc:

Thuốc dùng trong bệnh hen và COPD

Tuy cơ chế bệnh sinh khác nhau nhưng hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đều có triệu chứng co thắt phế quản gây khó thở. Thuốc kháng cholinergic như ipratropium, tiotropium (dùng trong bệnh COPD) chống co thắt gây ra bởi trương lực phó giao cảm. Thuốc chủ vận beta-2 như salbutamol, salmeterol (dùng trong cả hai bệnh) làm cường giao cảm gây ra hiện tượng giống như ức chế giao cảm làm giãn cơ. Kết quả cuối cùng là chúng đều làm giảm co thắt phế quản, làm dễ thở. Khi dùng các loại thuốc này mà hút thuốc lá thì nicotin trong thuốc lá gây ra các tác dụng trái ngược nhau rất phức tạp, trong đó có lúc làm kích thích phó giao cảm gây tác dụng ngược lại, làm giảm hiệu lực của thuốc.

Khi hút thuốc lá nhiều, nicotin tích lũy dần, tạo ra nồng độ cao thường xuyên trong cơ thể, không chỉ làm rút ngắn thời gian, hiệu lực của các thuốc nói trên mà làm cho bệnh dễ tái phát, dễ trở nên trầm trọng.

Thuốc chữa viêm loét dạ dày

Một số thuốc dùng trong bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bằng các cơ chế khác nhau đều có tác dụng làm giảm tiết dịch vị và nhờ giảm tiết dịch vị sẽ giúp lành sẹo (như cimetidin, ranitidin). Khi dùng thuốc này mà hút thuốc lá thì nicotin làm tăng tiết dịch vị, làm cho sẹo lâu lành tức là làm giảm hiệu lực của thuốc. Người hút thuốc lá nhiều thì nicotin thường xuyên làm tăng tiết dịch vị và bệnh sẽ sớm tái phát.

Thuốc chữa tăng huyết áp, thuốc tim mạch

Thuốc làm hạ huyết áp có nhiều cơ chế: ức chế chất gây co mạch (như cozaar, aprovel), chẹn calci, ức chế men chuyển làm giảm lực cản ngoại biên (như nìfedipin amilodifin-catopril, aldomet). Nicotin không tác dụng đối kháng trên các cơ chế này nhưng làm co mạch, tăng huyết áp làm cho hiệu quả cuối cùng của các thuốc hạ huyết áp bị giảm sút.

Người hút thuốc lá nhiều, nicotin sẽ làm co mạch tăng huyết áp thường xuyên nên khó đưa huyết áp trở về mức yêu cầu và làm cho người bệnh dễ lên cơn tăng huyết áp đột biến. Nicotin tác động thất thường đến nhịp tim (lúc đầu làm chậm, sau làm nhanh), gây co mạch (trong đó có việc làm co mạch máu nuôi tim) nên ảnh hưởng bất lợi đến một số thuốc tim mạch. Người bị bệnh tim mạch nhất là khi đang dùng thuốc chữa bệnh này thì không nên hút thuốc lá.

Thuốc tránh thai

Nicotin làm cho estradiol trong thuốc tránh thai chuyển hoá thành chất không có hiệu lực, làm thuốc tránh thai không hiệu quả. Với người trên 40 tuổi, có nhiều nguy cơ về tim mạch, thuốc tránh thai có thể gây tắc nghẽn mạch máu và nhồi máu cơ tim. Các chất trong thuốc lá trong đó có nicotin làm tăng thêm nguy cơ này (do làm tăng sự kết cụm tiểu cầu, làm co mạch). Do đó, với phụ nữ trên 40 tuổi, có nhiều nguy cơ tim mạch mà nghiện thuốc lá thì không nên dùng thuốc tránh thai.

Thuốc chống đông máu

Những chất trong thuốc lá trong đó có nicotin làm tăng kết cụm tiểu cầu nên làm cho thời gian đông máu ngắn lại. Khi dùng thuốc chống đông máu heparin mà hút thuốc lá thì hiệu quả heparin bị giảm sút cần phải dùng liều cao hơn mới có hiệu quả như dự kiến.

Thuốc tiêm

Nicotin trong thuốc lá làm co mạch, do đó làm chậm sự hấp thu thuốc tiêm qua đường tiêm dưới da làm giảm hiệu lực thuốc. Vì tác dụng co mạch của thuốc lá thường xảy ra ngay sau khi hút, nên đối với những thuốc tiêm dưới da có yêu cầu phải phát huy hiệu lực sớm thì điều này sẽ là một trở ngại. Ví dụ: cần dùng insulin làm giảm đường huyết sớm nhưng thuốc lá lại làm insulin chậm hấp thu vào máu nên khó phát huy trọn vẹn hiệu lực.

Một số thuốc khác

Nicotin làm tăng nhu động ruột. Nếu dùng atropin, chlopheniramin giảm nhu động ruột dạ dày để chống nôn mà lại hút thuốc lá thì thuốc này không phát huy được hiệu lực. Những tác động của nicotin trên nhiều thuốc thông thường ít được để ý.

Các chất hydrocarbua thơm có trong thuốc lá khi vào cơ thể bắt buộc gan phải tăng cường hoạt động để chuyển hoá thành các chất khác. Các chất trong thuốc lá như bezopyren, anthracin, phenathren trong quá trình chuyển hoá của mình sẽ làm tăng sự chuyển hoá của thuốc làm giảm hiệu lực thuốc. Thí dụ, theophylin bị các chất trên làm tăng cường chuyển hoá, sớm mất hiệu lực, vì vậy, người hút thuốc lá muốn dùng theophylin có hiệu quả thì phải tăng liều trong khi khoảng cách giữa liều dùng và liều độc của theophylin là rất hẹp.
Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi