Viêm khớp vảy nến: Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và chiến lược đối phó

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại

Viêm khớp vảy nến là một thách thức to lớn về mặt thể chất lẫn tinh thần đối với những ai mắc phải. Bệnh vốn liên quan mật thiết đến bệnh vảy nến da, một bệnh tự miễn mãn tính đang ảnh hưởng tới hàng triệu người trên toàn thế giới. Trong bài viết này, Nhà Thuốc Việt sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về bệnh viêm khớp vảy nến, từ nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp chẩn đoán, đến các lựa chọn điều trị hiện có.

Viêm khớp vảy nến là gì?

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis) là tình trạng khớp bị viêm, thường xuất hiện ở những người đã mắc bệnh vảy nến. Bệnh có biểu hiện mãn tính với các triệu chứng phức tạp trên nhiều phần cơ thể nhưng chủ yếu là da, móng tay, móng chân, và khớp.

Khớp viêm trong bệnh viêm khớp vảy nến thường là các khớp ở chân, tay, đôi khi có thể ảnh hưởng đến cột sống và lan tới các điểm bám gân. Triệu chứng đặc trưng là đau, sưng và cứng các khớp. Bệnh hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn và có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như cứng khớp, tàn phế nếu không được điều trị. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu của viêm khớp vảy nến có thể hỗ trợ đáng kể trong việc quản lý triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Viêm khớp vảy nến thường gặp trên người bị vảy nến

Viêm khớp vảy nến thường gặp trên người bị vảy nến

Mối liên hệ giữa viêm khớp vảy nến và bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến (Psoriasis) là một bệnh tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phát đi tín hiệu “tấn công” vào làn da của chính mình. Triệu chứng điển hình của tổn thương da do vảy nến là những mảng đỏ, sưng tấy và được bao phủ bởi một lớp vảy. Ngoài ra, tổn thương của vảy nến cũng có thể xuất hiện trên móng tay và móng chân, khiến cho các bộ phận này trở nên dễ tổn thương và biến dạng.

Theo ước tính, có khoảng từ 14 đến 31% bệnh nhân mắc vảy nến sẽ phát triển thành bệnh viêm khớp vảy nến. Thời gian viêm khớp vảy nến xuất hiện thường sẽ từ 1 đến 2 năm sau khi các triệu chứng của vảy nến lần đầu tiên được nhận biết, nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể mất đến 10-12 năm để phát triển. Mặc dù bệnh thường xuất hiện sau tuổi 30, viêm khớp vảy nến cũng có thể bắt đầu từ thời thơ ấu.

Một điểm đặc biệt của mối liên hệ giữa vảy nến và viêm khớp vảy nến là không phải tất cả các trường hợp đều theo một kịch bản nhất định: một số người có thể phát triển viêm khớp vảy nến trước cả khi các dấu hiệu vảy nến trở nên rõ ràng. Thậm chí, có những trường hợp hiếm hoi, bệnh nhân mắc phải viêm khớp vảy nến mà không bao giờ có các mảng vảy nến rõ rệt trên da.

Nguyên nhân của viêm khớp vảy nến

Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng là nguyên nhân bệnh viêm khớp vảy nến, với khoảng 40% bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh cho thấy sự liên quan mạnh mẽ với gen. Bên cạnh đó, môi trường và các yếu tố ngoại cảnh được cho là những nhân tố kích hoạt quan trọng, chẳng hạn như sau một đợt nhiễm trùng, bị chấn thương, béo phì và hút thuốc. Thêm vào đó, các chuyên gia nhận thấy rằng những thay đổi hormone cũng có thể góp phần kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm bệnh, như thay đổi hormone trong và sau khi mang thai, trong thời gian cho con bú, trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, và khi sử dụng thuốc tránh thai.

Không giống như nhiều bệnh tự miễn khác, giới tính không phân biệt khả năng mắc bệnh viêm khớp vảy nến, cả nam và nữ có nguy cơ phát triển bệnh tương đương nhau. Bệnh cũng không có khả năng lây giữa người với người, đôi khi bệnh xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng của cơ thể có thể làm chúng ta nhầm tưởng về sự lan truyền của bệnh.

Các dạng viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có thể biểu hiện qua năm kiểu hình, mỗi kiểu hình có đặc điểm riêng biệt theo vị trí tác động trên khớp:

  • Viêm khớp vảy nến bất đối xứng: ảnh hưởng đến từ một đến bốn khớp, không đối xứng nhau trên cơ thể.
  • Viêm khớp vảy nến đối xứng: giống như bệnh viêm khớp dạng thấp, kiểu hình này ảnh hưởng đến nhiều khớp và có đặc điểm đối xứng.
  • Viêm khớp vảy nến đầu xa: khớp bị ảnh hưởng tập trung ở các khớp cuối của ngón tay, gần móng tay.
  • Viêm khớp vảy nến cột sống: bao gồm các khớp của cột sống và khớp cùng chậu, nơi nối cột sống với xương chậu.
  • Viêm khớp vảy nến phá hủy: đây là dạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây đau đớn, biến dạng khớp nặng nề.

Kiểu hình của viêm khớp vảy nến có thể thay đổi theo thời gian, điều này yêu cầu sự theo dõi và điều chỉnh phương pháp điều trị thích hợp.

Viêm khớp vảy nến thường gặp trên người bị vảy nến

Viêm khớp vảy nến gây đau nhức dai dẳng

Triệu chứng của viêm khớp vảy nến

Triệu chứng của viêm khớp vảy nến vô cùng đa dạng. Các triệu chứng từng người có thể rất khác nhau, từ rất nhẹ không có ảnh hưởng gì nhiều cho đến rất nặng, thậm chí gây cứng khớp, tàn phế. Nếu bạn hoặc người thân đang nghi ngờ mắc viêm khớp vảy nến, hãy lưu ý những dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

Các vấn đề về khớp

  • Đau và cứng khớp: khớp có thể bị đau nhức, cứng khớp, thường kéo dài hơn 30 phút, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau thời gian nghỉ ngơi. Cơn đau có thể xuất hiện bất thường ở một hoặc nhiều khớp, bao gồm khớp lớn như đầu gối, vai hoặc các khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân, lưng hoặc xương chậu..
  • Sưng khớp: viêm khớp vảy nến có thể gây sưng tấy một hoặc nhiều khớp, khiến chúng trông to hơn bình thường.
  • Viêm điểm bám gân (enthesitis): là tình trạng viêm nơi gắn kết giữa gân và xương, gây đau lan rộng hơn là chỉ trong khớp, thường gặp ở bàn chân, đầu gối, hông, khuỷu tay và ngực.
  • Ngón tay hoặc ngón chân sưng (dactylitis): hay còn gọi là “ngón xúc xích”, là tình trạng ngón tay hoặc ngón chân bị sưng tấy, thường ảnh hưởng đến một hoặc hai ngón cùng lúc.

Các vấn đề về da và móng

  • Sang thương da dạng vảy nến: biểu hiện bằng các mảng da đỏ, ngứa, có vảy bạc thường xuất hiện ở đầu gối, khuỷu tay và da đầu. Tuy nhiên, vảy nến có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Vảy nến không lây nhiễm.
  • Chấm rỗ trên móng: móng tay hoặc chân của người bệnh vảy nến có thể xuất hiện các chấm rỗ nhỏ trên bề mặt. Móng cũng có thể đổi màu, dày lên và bong tróc.

Triệu chứng toàn thân

  • Mệt mỏi: người bệnh vảy nến thường cảm thấy mệt mỏi kéo dài, ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ.

Tâm lý

  • Người bệnh có thể cảm thấy tự ti, lo lắng và tránh giao tiếp xã hội do các triệu chứng bên ngoài như tổn thương da và móng.
Sang thương da trong viêm khớp vảy nến

Sang thương da trong viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không?

Tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng viêm khớp vảy nến có thể trở nên rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Bệnh có khả năng phá hủy khớp và cột sống, dẫn đến mất chức năng và cuối cùng có thể gây ra tình trạng tàn phế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh mà còn gây ra đau đớn và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Biến chứng của viêm khớp vảy nến

Mặc dù tỷ lệ mắc các biến chứng này tương đối thấp, nhưng bạn cũng nên lưu ý và trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ lo lắng nào:

  • Viêm màng bồ đào: gây đau, đỏ ở một hoặc cả hai mắt. Biến chứng này có thể dẫn đến mờ mắt, méo hình ảnh và thậm chí gây tổn thương vĩnh viễn hoặc mất thị lực nếu không được điều trị. Khoảng 7% người mắc viêm khớp vảy nến có nguy cơ gặp biến chứng này.
  • Tổn thương tim mạch: viêm khớp vảy nến có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tổn thương mạch máu và cơ tim.
  • Bệnh đường ruột: nguy cơ mắc bệnh crohn’s cao hơn cũng như tần suất gặp phải các vấn đề về dạ dày như tiêu chảy và đầy hơi tăng lên ở bệnh nhân viêm khớp vảy nến.
  • Loãng xương: xương yếu và dễ gãy hơn.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): tình trạng tích tụ mỡ trong gan. Người bệnh có thể không có biểu hiện gì trong giai đoạn đầu nhưng nafld tiềm ẩn nguy cơ tiến triển thành bệnh xơ gan khi không được nhận biết và điều trị.

Chẩn đoán viêm khớp vảy nến

Không một xét nghiệm cụ thể nào giúp xác định viêm khớp vảy nến. Trên lâm sàng, chẩn đoán viêm khớp vảy nến chủ yếu dựa vào các triệu chứng và khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn đã phát triển bệnh vảy nến trong vài năm qua và các triệu chứng viêm khớp bắt đầu xuất hiện gần đây, điều này có thể cho thấy bạn khả năng cao đã mắc phải viêm khớp vảy nến. Sinh thiết da có thể xác nhận bệnh vảy nến.

Việc phân biệt viêm khớp vảy nến với một số bệnh khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp thoái hóa, và gút có thể khó khăn. Các xét nghiệm máu như xét nghiệm yếu tố viêm khớp dạng thấp và kháng thể anti-CCP có thể hỗ trợ trong việc phân biệt.

Xét nghiệm hình ảnh học như chụp x-quang của lưng, tay và chân, cùng với siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI), cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán. Các phương pháp này giúp bác sĩ nhìn thấy rõ hơn các tổn thương tại khớp và xác định mức độ tiến triển của bệnh.

Triệu chứng ngón tay xúc xích trong viêm khớp vảy nến

Triệu chứng ngón tay xúc xích trong viêm khớp vảy nến

Điều trị viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có chữa khỏi được không?

Viêm khớp vảy nến chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn, tuy nhiên, nếu được chẩn đoán kịp thời và điều trị thích hợp, bạn có thể quản lý hiệu quả các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa các tổn thương nghiêm trọng đến khớp.

Các phương pháp điều trị hiện nay:

Điều trị nội khoa:

Trong điều trị viêm khớp vảy nến, mỗi người có phản ứng khác nhau với các phương pháp điều trị, do đó có thể cần thử nghiệm nhiều lựa chọn để tìm ra giải pháp phù hợp nhất.

Đối với viêm khớp:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): các thuốc này có thể giảm đau hiệu quả, nhưng đôi khi chúng không đủ mạnh để xử lý hết các triệu chứng của viêm khớp vảy nến. Chúng cũng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa hoặc tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Một số bệnh nhân còn báo cáo rằng NSAIDs làm trầm trọng thêm tình trạng vảy nến của họ. Nếu bạn cũng gặp phải điều này, hãy báo cho bác sĩ biết ngay lập tức.
  • Tiêm Steroid vào khớp: phương pháp này giúp giảm đau và sưng hiệu quả trong vòng dài vài tháng và cần có sự chỉ định của bác sĩ trước khi điều trị. Việc tự ý sử dụng steroid lâu dài và ngắn ngày có thể dẫn đến các tác dụng phụ như tăng cân và loãng xương.
  • Thuốc chống thấp làm thay đổi diễn tiến bệnh (DMARDs): những loại thuốc này có tác dụng mạnh trong việc giảm viêm và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Nhiều dmards còn giúp điều trị cả hai triệu chứng của bệnh vảy nến và viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, có thể mất vài tuần hoặc thậm chí đến ba tháng mới cảm nhận được hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, dmards được sử dụng trong nhiều năm, đôi khi suốt đời. Do vậy, cần thăm khám và cân nhắc kỹ bởi bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng nhóm thuốc này.

Methotrexate, Sulfasalazine và Leflunomide là những lựa chọn có thể được dùng ngay sau khi chẩn đoán. Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bạn cũng có thể thử các DMARDs mới hơn.

  • Thuốc sinh học: đây là các loại thuốc nhắm vào các thành phần chủ chốt của hệ miễn dịch để giảm viêm. Chúng có thể mất đến ba tháng để phát huy tác dụng đầy đủ và có thể được kê đơn riêng lẻ hoặc cùng với dmards. Một số cái tên trong nhóm thuốc này có thể kể đến như: Adalimumab, Infliximab, Etanercept, Ustekinumab, Secukinumab, Ixekizumab…

Điều trị sang thương vảy nến:

  • Kem và thuốc mỡ bôi ngoài da: giúp chăm sóc và cải thiện tình trạng da. Trường hợp vảy nến nặng, bác sĩ da liễu sẽ can thiệp để xây dựng phác đồ điều trị chuyên sâu.
  • Liệu pháp ánh sáng cực tím (phototherapy): chiếu tia cực tím giúp giảm vảy nến.
  • Một số DMARDs và thuốc sinh học điều trị viêm khớp cũng có thể cải thiện tình trạng vảy nến.

Điều trị sớm viêm khớp vảy nến giúp quản lý bệnh hiệu quả

Điều trị sớm viêm khớp vảy nến giúp quản lý bệnh hiệu quả

Điều trị phẫu thuật:

Trong một số trường hợp hiếm hoi, viêm khớp vảy nến có thể đòi hỏi can thiệp phẫu thuật để khắc phục những tổn thương nghiêm trọng. Hoặc chỉ khi các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả, phẫu thuật có thể trở thành một lựa chọn cần thiết.

Các bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến mãn tính trong nhiều năm, một số khớp có thể bị hư hại nghiêm trọng do viêm. Khi đó, phẫu thuật thay khớp có thể là giải pháp cần thiết để cải thiện chức năng và giảm đau cho bệnh nhân, đồng thời giúp khôi phục sự linh hoạt, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.

Chung sống và phòng bệnh viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn cả chất lượng cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn quản lý bệnh tốt hơn cũng như phòng bệnh viêm khớp vảy nến hiệu quả.

Tập thể dục đều đặn

Hoạt động thể chất là chìa khóa để giữ cho khớp của bạn linh hoạt và cơ bắp được tăng cường. Hãy cố gắng tập luyện ít nhất 150 phút mỗi tuần với các hoạt động cường độ từ phải đến mạnh. Điều này không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn qua đó giảm bớt gánh nặng lên khớp.

Viêm khớp vảy nến nên ăn và kiêng gì?

Một chế độ ăn cân bằng là yếu tố rất quan trọng trong điều trị viêm khớp vảy nến, không chỉ giúp người bệnh kiểm soát cân nặng mà còn góp phần làm giảm viêm và cải thiện tinh thần. Một số gợi ý phổ biến hơn để cải thiện bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh viêm khớp vảy nến bao gồm:

  • Rau và trái cây: nên chiếm thành phần lớn nhất trong chế độ ăn uống của người bệnh. Cố gắng ăn ít nhất một loại rau hoặc trái cây trong mỗi bữa ăn và như bữa ăn nhẹ. Ngoài việc là nguồn năng lượng tuyệt vời, rau và trái cây còn giúp tăng lượng chất xơ của bạn. Đối với những ai bị thừa cân, rau là lựa chọn không thể bỏ qua.
  • Hạn chế đường: người bệnh viêm khớp vảy nến nên kiêng ăn các loại thực phẩm chứa nhiều những loại đường sau: đường trắng, đường nâu, đường mía, đường thô, xi-rô và mật ong. Các loại đường này bổ sung thêm calo nhưng lại có ít lợi ích dinh dưỡng khác. Hãy tập làm quen với thực phẩm ít ngọt hơn nếu bạn đang mắc viêm khớp vảy nến.
  • Chọn chất béo lành mạnh: chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa chứa nhiều calo và có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim. Các chuyên gia khuyến nghị chất béo không bão hòa nên là nguồn chất béo chính trong chế độ ăn của người bệnh viêm khớp vảy nến. Chúng thường có trong các thực phẩm như được tìm thấy tự nhiên trong dầu ô liu và dầu hạt cải, quả bơ, các loại hạt như hạnh nhân, quả hồ trăn và hạt điều, axit béo omega-3 và omega-6 có thể tìm thấy trong cá nước lạnh (như cá hồi, cá thu, cá hồi), quả óc chó, hạt hướng dương và hạt lanh.
  • Châm cứu là phương pháp điều trị bổ trợ hiệu quả trong một số trường hợp cần kiểm soát cơn đau và cải thiện chức năng khớp.

Phơi nắng

Ánh nắng có thể cải thiện bệnh vảy nến ở một số trường hợp, nhưng không phải tất cả. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ cơ xương khớp hoặc bác sĩ da liễu về việc liệu tiếp xúc với ánh nắng vừa phải có an toàn cho bạn hay không.

Phơi nắng có thể cải thiện triệu chứng của viêm khớp vảy nến ở một số bệnh nhân

Phơi nắng có thể cải thiện triệu chứng của viêm khớp vảy nến ở một số bệnh nhân

Không hút thuốc và giảm rượu

Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Thuốc lá và rượu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị.

Chăm sóc da

Việc dưỡng ẩm thường xuyên cho da là cực kỳ quan trọng. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da nhẹ nhàng, không mùi và thoa kem dưỡng ẩm sau mỗi lần tắm hoặc bơi lội. Chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát từ chất liệu tự nhiên như cotton để giảm kích ứng da.

Kết: Chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp là chìa khóa để kiểm soát hiệu quả bệnh viêm khớp vảy nến, giảm thiểu các biến chứng và duy trì một chất lượng cuộc sống tốt. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh không chỉ giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh mà còn giảm bớt các tổn thương không mong muốn tới các khớp và các bộ phận khác của cơ thể. Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị y khoa, duy trì một thái độ tích cực và lối sống lành mạnh sẽ góp phần đáng kể vào việc cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh. Thông qua bài viết trên đây, Nhà Thuốc Việt hy vọng đã cung cấp các kiến thức hữu ích đến bạn đọc về căn bệnh viêm khớp vảy nến.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác về bệnh vảy nến, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Dược sĩ của Nhà thuốc Việt để được hỗ trợ sớm nhất, bằng một trong những hình thức liên hệ sau:

  • Hotline: 0985508450
  • Zalo: 0337250577
  • Zalo OA: https://zalo.me/2326937184300810408

Địa chỉ:

  • Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM
  • Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM

Hệ thống Nhà Thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành cùng bạn để tìm ra giải pháp phù hợp nhất với bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Tài liệu tham khảo

https://arthritis.ca/treatment/self-management/inflammatory-arthritis-self-management

https://versusarthritis.org/about-arthritis/conditions/psoriatic-arthritis/

https://rheumatology.org/patients/psoriatic-arthritis

https://arthritis.ca/about-arthritis/arthritis-types-(a-z)/types/psoriatic-arthritis

https://www.arthritis.org/diseases/psoriatic-arthritis

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi