Thuốc tetracyclin là gì? Công dụng, cách dùng và tác dụng không mong muốn

Bài viết được thực hiện bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền

Tetracyclin là kháng sinh quen thuộc tại Việt Nam. Nhưng với thực trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam, thì việc hiểu và dùng thuốc thích hợp là điều rất quan trọng. Vì vậy mà trong bài viết này, Nhà thuốc Việt sẽ chia sẻ với bạn những thông tin cơ bản và quan trọng nhất của kháng sinh Tetracyclin. Bạn hãy cùng theo dõi ngay sau đây nhé!

Thuốc tetracyclin là gì?

Tetracyclin là một loại kháng sinh phổ rộng, được dùng trong điều trị nhiễm khuẩn. Từ các loài Streptomyces, các nhà khoa học sẽ phân lập ra thuốc tetracyclin. Cũng giống như nhiều loại kháng sinh khác, tetracyclin là thuốc kê đơn. Do đó, phải có sự chỉ định của bác sĩ bạn mới được dùng chúng.

Tetracyclin là kháng sinh phổ rộng

Tetracyclin là kháng sinh phổ rộng

Ngoài nhà thuốc, tetracyclin thường ở dạng viên nén hoặc viên nang dùng đường uống. Ngoài ra, thuốc tetracyclin cũng có dạng tiêm, được dùng trong một số trường hợp đặc biệt. So với những loại thuốc khác, tetracyclin ở dạng tiêm gây đau nhiều hơn. Vì vậy mà bác sĩ sẽ phải cân nhắc ở nhiều phương diện trước khi chỉ định thuốc tetracyclin ở dạng tiêm cho bệnh nhân.

Công dụng thuốc tetracyclin

Do mức độ kháng thuốc của vi khuẩn nghiêm trọng và hiện nay có nhiều loại thuốc kháng khuẩn khác nên hạn chế việc sử dụng tetracyclin trong điều trị. Trong trường hợp cần dùng, cần chắc rằng vi khuẩn gây bệnh còn nhạy cảm với tetracyclin.

Công dụng của thuốc tetracyclin

Công dụng của thuốc tetracyclin

Mặc dù nói rằng tetracyclin khá hạn chế trong điều trị nhiễm khuẩn, nhưng thuốc vẫn còn được chỉ định trong một số nhiễm khuẩn khi xác định vi khuẩn còn nhạy cảm như sau:

  • Nhiễm khuẩn do Chlamydia: Bệnh Nicolas Favre; viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm xoang do Chlamydia pneumoniae; sốt vẹt (Psittacosis); bệnh mắt hột; viêm niệu đạo không đặc hiệu do Chlamydia trachomatis…
  • Trứng cá bọc, trứng cá đỏ. Bệnh giang mai, bệnh Lyme. Nhiễm khuẩn do Rickettsia.
  • Nhiễm khuẩn do Mycoplasma, đặc biệt các nhiễm khuẩn do Mycoplasma pneumoniae.
  • Nhiễm khuẩn do Brucella và Francisella tularensis.
  • Bệnh dịch hạch (do Yersinia pestis), bệnh dịch tả (do Vibrio cholerae).
  • Bệnh than do Bacillus anthracis. Bệnh Leptospirose do Leptospira. Bệnh do amip Dientamoeba fragilis.
  • Phối hợp trong một số phác đồ điều trị H. pylori trong bệnh loét dạ dày tá tràng.
  • Phối hợp với thuốc chống sốt rét như quinin để điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum kháng thuốc.
  • Sợi tetracyclin được dùng trong điều trị phụ trợ bệnh nha chu để giảm chảy máu và làm sâu thêm các hốc quanh chân răng khi lấy cao răng và làm sạch chân răng.

Cách dùng thuốc tetracyclin

Tetracyclin thường được uống khi điều trị nhiễm khuẩn toàn thân. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp tính nặng, có thể dùng dạng tiêm truyền tĩnh mạch chậm hoặc tiêm bắp nhưng rất hiếm. Vì tiêm bắp tetracyclin gây đau, nên chuyển sang uống thay cho tiêm ngay khi có thể.

Khi dùng thuốc tetracyclin cần chú ý một số điều sau:

  • Do thức ăn và sữa ảnh hưởng đến hấp thu tetracyclin qua đường tiêu hóa, nên uống thuốc ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn hoặc khi uống sữa.
  • Để tránh kích ứng thực quản, nên uống tetracyclin với đủ lượng nước (một cốc to) ở tư thế thẳng, người bệnh không nên nằm ngay sau khi uống thuốc, không nên uống thuốc trước khi đi ngủ không nên dùng cho bệnh nhân bị tắc nghẽn thực quản
  • Vì cơ chế tác dụng của tetracyclin là kìm khuẩn, nên thời gian điều trị với tetracyclin thường phải đủ dài để đảm bảo vi khuẩn sau thời gian không sản sinh được sẽ chết, tức là nhiễm khuẩn không tái phát. Với các trường hợp nhiễm khuẩn cấp thông thường, thời gian điều trị thường là 10 ngày, hoặc ít nhất 3 ngày sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, 7 – 14 ngày sau khi hết sốt (sốt vẹt). Với các trường hợp mạn tính như trứng cá, thời gian điều trị có thể kéo dài 2 – 3 tháng, điều trị mắt hột từ 20 ngày – 2 tháng.
  • Cần thận trọng khi dùng tetracyclin cho người cao tuổi. Tránh dùng cho những trường hợp suy thận, nếu bắt buộc phải dùng thì phải giảm liều cho thích hợp
  • Tetracyclin phân bố trong sữa mẹ. Mặc dù tetracyclin có thể tạo phức không tan với calci trong sữa mẹ nên không hấp thu được, nhưng vẫn không nên dùng tetracyclin trong thời kỳ cho con bú vì khả năng biến màu răng vĩnh viễn, giảm sản men răng, ức chế sự phát triển xương, phản ứng nhạy cảm ánh sáng, nấm Candida ở miệng và âm đạo trẻ nhỏ. Bà mẹ cân nhắc không nên dùng tetracyclin hoặc không cho con bú khi dùng thuốc này.
  • Cần lưu ý khi bảo quản tetracyclin. Nhìn chung, tetracyclin hydroclorid ở dạng rắn tương đối ổn định khi bảo quản ở điều kiện độ ẩm và nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng. Hoạt lực giảm ở nhiệt độ cao, giảm khoảng 10% hoạt lực sau 2 tháng khi để ở 37oC và độ ẩm 66%.

Liều dùng thuốc tetracyclin

Liều dùng thuốc tetracyclin được hiệu chỉnh tùy theo bệnh tình và mức độ bệnh. Bác sĩ sẽ là người trực tiếp thăm khám và đưa ra chỉ định tối ưu nhất cho bệnh tình của bạn.

Liều dùng mà Nhà thuốc Việt đưa ra là liều tham khảo, bạn tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

  • Người lớn: Liều thường dùng: 250 – 500 mg/lần, 2 – 4 lần/ngày, tùy theo mức độ nhiễm khuẩn.
  • Trẻ em trên 8 tuổi: Uống 25 – 50 mg/kg thể trọng/ngày, chia 2 – 4 lần.
  • Thuốc mỡ tra mắt 1%: Tra mắt 2 – 3 lần/ngày, tránh tiếp xúc với bụi sau khi tra thuốc.
  • Thuốc bôi ngoài da: Bôi trên da 2 – 3 lần/ngày dạng dung dịch hoặc thuốc mỡ dùng ngoài (1% và 3%). Tránh để vùng da bôi thuốc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
  • Trứng cá bọc, trứng cá đỏ (điều trị phụ trợ): 500 mg – 1 g/ngày, chia làm 2 – 4 lần, dùng trong 1 – 2 tuần hoặc đến khi có dấu hiệu cải thiện triệu chứng lâm sàng. Sau đó giảm liều xuống 125 mg – 500 mg/ngày hoặc liều thấp nhất có thể làm giảm các tổn thương trên da. Điều trị nên tiếp tục cho đến khi triệu chứng lâm sàng hoàn toàn được cải thiện (điều trị duy trì kéo dài có thể cần thiết).
  • Sợi tetracyclin dùng trong nha chu: Cho đủ số lượng sợi vào hốc nha chu, cố định với chất dính như cyanoacrylat và để lưu trong 10 ngày. Để tránh sợi thuốc bị bật ra khỏi hốc bệnh, trong thời gian đặt sợi thuốc, người bệnh không nên nhai mạnh, không nhai các chất dính như kẹo cao su; khi vệ sinh răng không chải hoặc cọ sát vào gần vùng răng lợi đặt thuốc. Khi thấy sợi thuốc bị lỏng hoặc có thể rơi, cần báo ngay cho thầy thuốc

Tác dụng không mong muốn của thuốc tetracyclin

Tỷ lệ tác dụng phụ không mong muốn (ADR) được ghi nhận là 7 – 20%, phụ thuộc vào liều và thời gian điều trị.

Một số tác dụng phụ của thuốc tetracyclin

Một số tác dụng phụ của thuốc tetracyclin

Một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc tetracyclin phải kể đến như:

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy (thường gặp nhất)
  • Chuyển hóa: Răng trẻ kém phát triển và biến màu khi sử dụng tetracyclin cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 8 tuổi.
  • ADR khác: Tăng phát triển vi khuẩn kháng kháng sinh và nguy cơ phát triển vi khuẩn đường ruột kháng kháng sinh. Gây loạn khuẩn đường ruột.

Chống chỉ định khi dùng thuốc tetracyclin

Phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi không được dùng thuốc tetracyclin

Phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi không được dùng thuốc tetracyclin

  • Người mẫn cảm với bất kỳ một tetracyclin nào.
  • Không dùng tetracyclin cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi, do việc sử dụng các thuốc nhóm tetracyclin trong quá trình phát triển của răng (nửa cuối thai kỳ và trẻ dưới 8 tuổi) có thể gây biến màu răng vĩnh viễn (vàng, xám, nâu) và thuốc có thể gắn vào và ảnh hưởng tới sự phát triển của xương.

Kết luận

Như vậy, qua bài viết trên Nhà thuốc Việt đã khái quát những thông tin cơ bản nhất về thuốc tetracyclin. Mong rằng, những chia sẻ trên sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát hơn về công dụng, cách dùng, và những lưu ý để dùng tetracyclin đúng cách hơn.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khác khi dùng thuốc tetracyclin hay bất kỳ loại thuốc nào khác, có thể liên hệ trực tiếp với dược sĩ của Hệ thống Nhà thuốc Việt để được tư vấn nhanh chóng và cụ thể nhất, bằng một trong những hình thức sau:

– Hotline: 0985508450

– Zalo: 0985508450

– Website: Nhathuocviet.vn

– Zalo OA: https://zalo.me/2326937184300810408

Địa chỉ:

  • Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM
  • Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM

Hệ thống Nhà Thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành cùng bạn để tìm ra giải pháp phù hợp nhất với bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi