Mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục và có nguy hiểm không?

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thường là biện pháp cuối cùng sau khi bác sĩ đã điều trị qua nhiều phương pháp không xâm lấn khác như giảm đau, kháng viêm, vật lý trị liệu,… nhưng vẫn không đạt được hiệu quả. Trường hợp khác phải mổ cột sống khẩn cấp khi người bệnh có thoát vị nặng gây yếu liệt, tiêu tiểu không kiểm soát hoặc rối loạn cương dương. Chúng tôi hiểu rằng người bệnh đã phải trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực khi tình trạng đau không cải thiện dù đã dùng nhiều biện pháp, nay lại còn lo lắng hơn vì chỉ định phẫu thuật. Nhằm giúp người bệnh giải toả phần nào căng thẳng, một số thông tin giải đáp mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục và mổ thoát vị có nguy hiểm hay không qua bài viết sau.

KHI NÀO PHẢI MỔ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM?

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Giữa mỗi xương (đốt sống) trong cột sống của bạn là một đĩa đệm. Những đĩa đệm này hoạt động như bộ giảm xóc cho cột sống của bạn khi bạn đi lại, chạy nhảy và nhiều hoạt động thường ngày khác. Đĩa đệm có 2 phần, bao gồm 1 nhân nhầy bên trong và 1 lớp vỏ bao bên ngoài.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân của đĩa đệm bị thoát ra khỏi bao bên ngoài. Bạn có thể bị thoát vị đĩa đệm ở bất cứ đâu dọc theo cột sống, thậm chí ở cổ, nhưng thường xảy ra thoát vị ở vùng lưng dưới vì cột sống vùng này di động nhiều nên dễ bị chấn thương.

Bạn có thể bị thoát vị đĩa đệm do nâng vật gì đó sai cách hoặc do cột sống bị xoắn đột ngột, cúi gập quá mức.

Thoát vị đĩa đệm không phải lúc nào cũng gây đau hoặc khó chịu, nhưng nếu nó chèn ép vào dây thần kinh thì có thể gây đau. Nếu thoát vị đĩa đệm xảy ra ở cổ, bạn có thể bị đau ở cổ, vai và cánh tay, và nếu ở lưng thì có thể đau lưng, mông và chân. Ngoài đau đớn, thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến tê, ngứa ran và yếu cơ, tiêu tiểu không tự kiểm soát được hoặc rối loạn cương dương.

Bạn có cần mổ thoát vị đĩa đệm hay không?

Hầu hết các đĩa đệm thoát vị không cần phẫu thuật. Ở khoảng 9 trên 10 người, các triệu chứng sẽ hết sau vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, đôi khi đĩa đệm thoát vị sẽ chèn ép vào dây thần kinh ở cột sống gây yếu ở phần cơ thể nơi dây thần kinh đó điều khiển. Nếu cơn đau không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và vật lý trị liệu, bác sĩ sẽ cân nhắc đến chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm để giải quyết vấn đề đau cho người bệnh. Trường hợp người bệnh có yếu cơ rõ, đi tiêu đi tiểu mất kiểm soát được xác định là do thoát vị đĩa đệm gây nên thì phẫu thuật là chỉ định khẩn cấp để tránh yếu liệt không thể phục hồi vì thần kinh bị chèn ép kéo dài.

MỔ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Biến chứng do mổ thoát vị đĩa đệm

Một nghiên cứu mới từ Na Uy, (The Bone and Joint Journal, tháng 4 năm 2019) đã xem xét hơn 34.500 ca phẫu thuật vi phẫu để xác định tỷ lệ biến chứng, những lần phẫu thuật lại và tái nhập viện sau mổ thoát vị đãi đệm. Nghiên cứu cho thấy biến chứng phẫu thuật phổ biến nhất là vết rách ở vỏ dây thần kinh (rách màng cứng) xảy ra trong quá trình phẫu thuật chỉ với hơn 1% số ca phẫu thuật. Các biến chứng phẫu thuật khác (bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, biến chứng gây mê và các vấn đề về vết thương) xảy ra ở dưới 0,5% bệnh nhân.

Bệnh nhân cũng bày tỏ lo ngại về việc tương lai có cần phải mổ lại hay không. Nguyên nhân dẫn đến cuộc phẫu thuật thứ hai là do nhiều yếu tố, bao gồm tái vỡ đĩa đệm, các vấn đề về vết thương và nhiễm trùng xảy ra trong 90 ngày đầu tiên sau phẫu thuật ban đầu. Trong suốt 14 năm của nghiên cứu này, tỷ lệ phải phẫu thuật cột sống trong thời gian dài vì bất kỳ lý do gì chỉ là 3,4%.

Không có bệnh nhân nào tử vong trong quá trình phẫu thuật hoặc trong vòng 90 ngày kể từ ngày phẫu thuật.

Biến chứng xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi thường gặp hơn vì họ mắc đồng thời nhiều bệnh lý khác bao gồm bệnh tim, bệnh phổi hoặc tiểu đường, làm tăng nguy cơ gặp biến chứng trong và sau phẫu thuật.

Từ nghiên cứu này cho thấy rủi ro trong các ca mổ thoát vị đĩa đệm này là rất thấp và nguy cơ lâu dài cần phải phẫu thuật lại ở mức 3% trong 14 năm. Nói cách khác, 97% bệnh nhân sẽ không cần phẫu thuật nữa.

Có nên mổ thoát vị đĩa đệm hay không?

Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng không phải bất kỳ trường hợp thoát vị đĩa đệm nào cũng cần phải mổ. Nếu bạn chỉ có triệu chứng đau, còn rất nhiều biện pháp điều trị không xâm lấn khác mà bác sĩ có thể chỉ định để giúp bạn cải thiện cơn đau và chờ sự tự hồi phục sau vài tuần hoặc lâu hoặc vài tháng. Nếu chỉ tình trạng đau và bạn chưa điều trị với thuốc, vật lý trị liệu trước đó nhưng lại được bác sĩ chỉ định phẫu thuật; trước khi quyết định mổ bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên môn khoa Ngoại thần kinh khác để đảm bảo rằng chỉ định phẫu thuật với bạn là phù hợp.

Trường hợp ngoài đau, bạn có yếu cơ, tiêu tiểu không tự chủ, bác sĩ sẽ cho chỉ định đo điện cơ, chụp MRI cột sống thắt lưng để xác định chẩn đoán trước khi đưa ra chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm cho người bệnh. Bạn có thể sợ hãi về các biến chứng do phẫu thuật, tuy nhiên nếu đã có yếu liệt cơ thì phẫu thuật là cần thiết, tránh kéo dài thời gian chờ vì càng lâu thì khả năng phục hồi yếu cơ sau mổ càng kém.

Mổ thoát vị đĩa đệm chỉ đề ra khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả

CÁC PHƯƠNG PHÁP MỔ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Bác sĩ có thể sử dụng một trong ba kỹ thuật sau để xử lý thoát vị đĩa đệm, giải phóng sự chèn ép của đĩa đệm lên thần kinh:

  • Mổ hở lấy đĩa đệm: Bác sĩ phẫu thuật thực hiện phẫu thuật mở để loại bỏ phần thoát vị của đĩa đệm.
  • Phẫu thuật nội soi cột sống: Bác sĩ phẫu thuật sử dụng một ống dài mỏng hoặc ống nội soi để cắt bỏ phần thoát vị của đĩa đệm. Thủ tục này xâm lấn tối thiểu, chỉ cần một vết mổ nhỏ, phục hồi nhanh hơn.
  • Phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm cột sống: Bác sĩ phẫu thuật sử dụng dụng cụ để tiếp cận nhân đĩa đệm cột sống sau đó dùng máy hút để loại bỏ lõi. Điều này làm cho đĩa đệm cột sống nhỏ hơn, làm giảm áp lực lên dây thần kinh. Phẫu thuật chỉ thực hiện được nếu lớp vỏ của đĩa đệm không bị tổn thương.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị bằng phẫu thuật thường phụ thuộc vào hai yếu tố các triệu chứng liên quan và mức độ nghiêm trọng của tổn thương trên bệnh nhân. Các lựa chọn này bao gồm từ các thủ tục phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đến thay thế đĩa đệm nhân tạo hoặc cố định cột sống bằng vít trong những trường hợp mất vững nghiêm trọng. Lựa chọn phương pháp mổ nào là nhiệm vụ của bác sĩ sau khi thăm khám và xem xét tình trạng thương tổn trên phim MRI cột sống đã chụp.

Laminectomy – phẫu thuật mở ống sống

Đây là phẫu thuật mà bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần xương đốt sống bao quanh ống sống để tạo ra khoảng trống giúp giảm sức ép lên thần kinh. Phẫu thuật này được thực hiện trong trường hợp người bệnh có bị hẹp ống sống.

Phẫu thuật mở ống sống là cắt bỏ một phần xương đốt sống để giải phóng thần kinh

Phẫu thuật cố định cột sống

Để cố định cột sống, bác sĩ sẽ sử dụng vít để cố định các xương lại với nhau liên quan đến việc nối hai xương lại với nhau bằng vít. Loại phẫu thuật này được thực hiện khi NB có cong vẹo cột sống, cột sống yếu hoặc mất ổn định. Kết nối những đốt sống thắt lưng bằng phẫu thuật này sẽ ngăn cản sự di chuyển của chúng. Hạn chế dịch chuyển xương đốt sống sẽ giúp giảm đau và phòng tình trạng tái thoát vị đĩa đệm. Những chiếc vít sử dụng để nối các đốt sống lại với nhau sau khi bắt vít sẽ nằm tại chỗ trọn đời, người bệnh không cần phẫu thuật lại để thay mới.

Hình ảnh X-quang của cột sống sau khi mổ cố định bằng vít

Phẫu thuật cắt bỏ/cắt vi phẫu

Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm là phẫu thuật phổ biến nhất được sử dụng cho thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng. Trong thủ tục này, phần đĩa đệm gây áp lực lên rễ thần kinh của bạn sẽ được loại bỏ. Trong một số trường hợp, toàn bộ đĩa đệm sẽ được lấy ra.

Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo

Phẫu thuật này thường được sử dụng cho trường hợp thoát vị một đĩa đệm vùng lưng dưới. Đây không phải là một lựa chọn tốt nếu bạn bị viêm khớp hoặc loãng xương hoặc khi có nhiều hơn một đĩa đệm bị thoái hóa. Vật liệu đĩa đệm nhân tạo này không chỉ chắc chắn mà còn có độ bền cao. Các nhà khoa học chỉ ra rằng một chiếc đĩa đệm nhân tạo có tuổi thọ lên đến 50-100 năm tuổi sử dụng, có thể dùng cả đời mà không cần phẫu thuật thay mới. Lợi điểm của phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo là cột sống duy trì được sự linh động cao hơn so với phẫu thuật làm vững (phẫu thuật cố định cột sống). Ngược lại một số trường hợp thay đĩa đệm không phù hợp với thay đĩa đệm mà phẫu thuật cố định cột sống sẽ thành công hơn, mang lại lợi ích sau mổ nhiều hơn cho người bệnh, ví dụ: hẹp cột sống, trượt đốt sống và vẹo cột sống, loãng xương nặng.

Hình ảnh một chiếc đĩa đệm nhân tạo

MỔ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM BAO LÂU THÌ HỒI PHỤC

Bao lâu thì người bệnh được xuất viện?

Sau mổ thoát vị đĩa đệm, nếu sinh hiệu ổn, không có dấu hiệu chảy máu, nhiễm trùng hoặc cơn đau sau phẫu thuật có thể điều trị với thuốc giảm đau thì người bệnh có thể xuất viện, sớm nhất có thể là 24 giờ sau mổ.

Cần lưu ý gì sau mổ thoát vị đĩa đệm?

Trong vòng 4 – 6 tuần kể từ lúc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần hạn chế ngồi lâu, điều khiển phương tiện giao thông, nâng tạ, cúi gập người nếu phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng), và hạn chế cúi cổ nếu phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cổ.

Mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì lành hoàn toàn?

Thông thường bạn sẽ hồi phục hoàn toàn sau 6 – 12 tuần nhưng bạn có thể quay lại với các hoạt động thường ngày sau 4 – 8 tuần sau mổ.

Đối với việc đi lại, bạn được khuyến khích nên di chuyển tới lui ngay trong 24 giờ đầu để tránh tụ dịch tại vị trí mổ.

Mổ thoát vị đĩa đệm hồi phục sau 4-12 tuần

Sau mổ cần kiêng ăn gì không?

Dân gian thường truyền miệng rằng sau mổ nên kiêng ăn rau muống, thịt bò để tránh sẹo lồi, tuy nhiên đối với khoa học điều này chưa được chứng minh rõ ràng. Thường việc hình thành sẹo lồi liên quan đến cơ địa nhiều hơn.

Người bệnh không nên kiêng khem, nên ăn uống đủ chất, đặc biệt là đạm như đậu, cá, trứng, … để đẩy nhanh quá trình lành vết mổ. Hạn chế ăn thịt đỏ vì dễ gây táo bón. Những loại thực phẩm chứa nhiều canxi như các sản phẩm từ sữa, phô mai, rau có màu xanh đậm tốt cho sự phục hồi của xương. Người bệnh cũng nên tăng cường ăn rau củ, trái cây để bổ sung chất xơ, tránh táo bón vì nằm lâu sau mổ.

Kết: Nhìn chung, tỷ lệ thành công của mổ thoát vị đĩa đệm là cao, với nhiều bệnh nhân bày tỏ mức độ hài lòng sau mổ. Mặc dù mổ thoát vị đĩa đệm có một số biến chứng tuy nhiên tỷ lệ gặp phải biến chứng thấp và đa phần có phương án xử trí nếu biến chứng xảy ra nên người bệnh không cần quá lo lắng khi chỉ định phẫu thuật được đặt ra và bác sĩ tư vấn rằng cần thiết phải thực hiện. Thời gian phục hồi sau mổ thoát vị đĩa đệm từ 4 – 12 tuần, hầu như sau mổ người bệnh được khuyến khích đi lại ngay và quay lại với sinh hoạt thường ngày sau 4 tuần.

Thông tin tham khảo từ bài viết tổng kết các nghiên cứu chất lượng cao của các chuyên gia sức khoẻ thuộc IQWiG (Viện Chất lượng và Hiệu quả trong Chăm sóc Sức khỏe) – Đức

Nhà thuốc Việt mong rằng với những thông tin hữu ích trên, người bệnh sẽ hiểu hơn về mổ thoát vị đĩa đệm cụ thể sẽ làm gì, có biến chứng gì hay không, và mất bao lâu để hồi phục. Trong quá trình hậu phẫu sau mổ cần dùng thuốc theo toa bác sĩ, người bệnh cần tìm thuốc chính hãng và sự tư vấn của dược sĩ có kinh nghiệm, đừng quên liên hệ Nhà thuốc Việt:

– Hotline: 0985508450

– Zalo: 0985508450

– Website: nhathuocviet.vn

Địa chỉ:

Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM

Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM

Xem thêm: Tìm hiểu tất tần tật thoát vị đĩa đệm là gì, dấu hiệu và cách điều trị

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi