Loãng xương: Dấu hiệu nhận biết sớm, chẩn đoán và điều trị

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại
Loãng xương hay bệnh giòn xương, mục xương, không có biểu hiện dữ dội như tên gọi của nó. Bệnh thường có diễn tiến thầm lặng trong nhiều năm, nhiều tháng và dẫn tới nhiều biến chứng, di chứng, tàn tật suốt đời. Bởi vì đây là một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được nên việc chẩn đoán sớm có thể tạo ra sự khác biệt. Ở mọi lứa tuổi, không bao giờ là quá muộn để thực hiện các bước bảo vệ xương và ngăn ngừa gãy xương. Để biết khi nào cần thăm khám, tầm soát cũng như điều trị loãng xương một cách chính xác, Nhà Thuốc Việt xin gửi đến bạn đọc những thông tin quan trọng về căn bệnh này trong bài viết sau đây.

Loãng xương là gì?

Loãng xương (Osteoporosis) là bệnh lý của xương xảy ra khi sức mạnh xương bị suy giảm, nguyên nhân do các yếu tố làm giảm chất lượng xương, mật độ xương, hoặc đôi khi là do cả hai. Kết quả khiến người bệnh dễ xảy ra gãy xương từ những chấn thương nhỏ như té ngã đơn giản. Trong trường hợp nặng, xương thậm chí có thể gãy hoặc nứt khi người bệnh hắt xì, chạm nhẹ.

Để dễ hình dung quá trình diễn tiến của loãng xương, ta có thể tưởng tượng cấu trúc xương khỏe mạnh có hình dạng như tổ ong, có trật tự và mật độ dày. Khi mất xương tiến triển do các nguyên nhân nội/ngoại sinh, các hốc trong tổ ong càng ngày càng trở nên to hơn, đồng nghĩa với việc mật độ xương suy giảm, xương yếu, dễ gãy và người bệnh được chẩn đoán mắc loãng xương.

Loãng xương thường có diễn tiến thầm lặng trong nhiều năm, nhiều tháng và người bệnh không có biểu hiện gì. Dấu hiệu đầu tiên mà ta có thể dễ quan sát thấy là chiều cao của người bệnh ngày càng thấp hơn hoặc lưng trên của họ cong về phía trước, những than phiền về đau nhức cũng thường xuyên hơn. Đó là lúc chúng ta cần tham vấn ý kiến chuyên môn của bác sĩ ngay lập tức.

Nguyên nhân của loãng xương

Loãng xương nguyên phát:

Gây ra bởi những thay đổi của cơ thể khi tới một độ tuổi nhất định. Thường gặp ở những phụ nữ mãn kinh do nồng độ Estrogen giảm. Estrogen là một hormone nội sinh có vai trò kích thích tạo cốt bào tạo xương mới và ức chế hủy cốt bào hủy xương. Nồng độ estrogen giảm sau mãn kinh dẫn đến tăng khả năng tiêu xương.

Ở người già, khả năng mất xương cũng tăng dần theo tuổi, đặc biệt ở người >70 tuổi và nhóm đối tượng này cần được kiểm tra loãng xương.

Một số nguyên nhân của loãng xương nguyên phát ít gặp hơn và chưa xác định được cơ chế như loãng xương vô căn, loãng xương vô căn thanh thiếu niên, loãng xương vô căn ở người trẻ.

Loãng xương thứ phát

Gây ra bởi các tác nhân bên ngoài, bao gồm:

  • Do thuốc: nhóm thuốc Corticosteroids có thể là phương pháp điều trị hiệu quả trong một số trường hợp, và nó cũng là tác nhân thường gặp góp phần gây ra loãng xương. Sử dụng Corticosteroids dưới dạng thuốc viên với liều 5mg trở lên trong ba tháng trở lên có thể làm tăng nguy cơ mất xương và phát triển bệnh loãng xương. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, người bệnh nên thực hiện các phương pháp để ngăn ngừa mất xương.
  • Một số loại thuốc khác cũng góp phần gây loãng xương nếu sử dụng trong thời gian dài như: thuốc chống động kinh (vd phenytoin, carbamazepine), hormone giáp L-thyroxine, thuốc chống đông (vd heparin), PPI, thuốc ức chế miễn dịch (vd cyclosporine, tacrolimus), liệu pháp điều trị thiếu hụt Androgen (ADT),…
  • Các bệnh lý về chuyển hóa làm gia tăng nguy cơ loãng xương: cường cortisol, suy sinh dục, cường giáp, cường cận giáp, bệnh thận.
  • Bệnh đa u tủy


Diễn tiến của bệnh loãng xương

Ai có nguy cơ mắc loãng xương?

Loãng xương là bệnh về xương phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới trên 50 tuổi trên toàn thế giới. Ngoài những nguyên nhân kể trên, còn có nhiều yếu tố nguy cơ có thể góp phần làm mất xương như:

  • Thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa cồn
  • Hút thuốc lá
  • Bất động
  • Thiếu hoạt động thể chất
  • Kém hấp thu (ví dụ, bệnh celiac), suy dinh dưỡng (ví dụ, chế độ ăn ít canxi và vitamin D), chán ăn
  • Trọng lượng cơ thể thấp BMI <18,5kg/m2
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương
  • Tiền sử gãy xương trước đây

Dấu hiệu của loãng xương

Trong hầu hết trường hợp, bệnh loãng xương không biểu hiện triệu chứng cho đến khi diễn tiến nặng và xuất hiện gãy xương. Những hoạt động thường ngày như cúi ngửa, hắt xì hay các chấn thương nhẹ có thể làm gãy xương, thường thấy nhất là ở các đốt sống, cổ xương đùi, đầu xa xương quay và các xương dài khác như xương cánh tay.

Các biểu hiện lên cột sống có thể dễ nhận biết như gù cột sống ngực do đốt sống bị lún, xẹp. Người bệnh cũng có thể than phiền đau lưng đột ngột, ấn vào cột sống gây đau mà không kèm biểu hiện thần kinh khác gây nhầm lẫn với thoát vị đĩa đệm cột sống. Các hình ảnh khác có thể bao gồm giảm chiều cao và tư thế khom lưng trên phim chụp Xquang.



Gù đốt sống ngực do loãng xương

Loãng xương có nguy hiểm không?

Biến chứng của loãng xương và cũng là dấu hiệu để tầm soát bệnh là gãy xương. Đây là vấn đề y tế nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống cũng như chi phí điều trị. Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, gãy cổ xương đùi do loãng xương có nguy cơ cao dẫn đến tàn phế, bất động kéo dài kéo theo nhiều nguy cơ các bệnh lý tim mạch, cơ xương khớp và chuyển hóa, làm giảm thời gian sống còn. Các thống kê cho thấy, có khoảng 20% người cao tuổi bị gãy xương hông sẽ chết trong vòng một năm do các biến chứng liên quan đến xương gãy hoặc do phẫu thuật để sửa chữa nó.

Tại Việt Nam, tỉ lệ gãy xẹp đốt sống lên tới 20% ở người sau 50 tuổi. Ở người trong độ tuổi lao động, biến chứng xẹp đốt sống, vẹo cột sống hay gãy xương cánh tay, xương quay làm hạn chế khả năng hoạt động và các gánh nặng về kinh tế. Bên cạnh đó, không thể không nhấn mạnh những ảnh hưởng về mặt tinh thần của các bệnh nhân gặp phải các biến chứng hay di chứng của loãng xương. Những hạn chế mà chúng mang lại có thể tác động tiêu cực lên tâm lý người bệnh và thường dẫn đến cảm giác bị cô lập hoặc trầm cảm.



Biến chứng gãy lún đốt sống trong bệnh loãng xương

Phương pháp chẩn đoán loãng xương

Trên thực tế, loãng xương thường chỉ được chẩn đoán khi người bệnh chủ động tầm soát hoặc có các dấu hiệu rõ ràng của bệnh. Phương pháp hiệu quả và thường được sử dụng là đo mật độ xương BMD (Bone mineral density).

Đo mật độ xương

Xét nghiệm đo mật độ xương là một xét nghiệm an toàn và không gây đau đớn. Các bác sĩ sử dụng một thiết bị biệt để đo mật độ xương. Kết quả đo sẽ cho biết lượng khoáng chất xương bạn có ở một vùng xương nhất định tùy vào vị trí đo. Kiểm tra mật độ xương có thể được thực hiện trên các xương khác nhau của cơ thể, bao gồm hông, cột sống, cẳng tay (giữa cổ tay và khuỷu tay), cổ tay, ngón tay hoặc gót chân. Trong đó, phương pháp đo mật độ xương năng lượng kép DXA (dual-energy x-ray absorptiometry ) được ưu tiên lựa chọn hơn cả. DXA đo BMD ở cột sống thắt lưng và cổ hông/đùi bằng hai chùm tia X.

Ngoài vai trò chẩn đoán và đánh giá xương, DXA còn giúp tầm soát những đối tượng nguy cơ mắc loãng xương để điều trị sớm, phòng tránh biến chứng. Những trường hợp cần tầm soát loãng xương bằng DXA gồm:

  • Phụ nữ sau 65 tuổi, nam giới sau 70 tuổi bất kể yếu tố nguy cơ
  • Phụ nữ sau mãn kinh hoặc giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh và nam giới tuổi trong khoảng 50-69 kèm yếu tố nguy cơ gãy xương
  • Phụ nữ sau mãn kinh và nam giới tuổi trong khoảng 50-69 có gãy xương
  • Có các bệnh gây loãng xương thứ phát

Kết quả đo mật độ xương sẽ hiển thị thông qua chỉ số loãng xương T-score và diễn giải bằng cách tham chiếu với dân số chung. Bình thường là bằng không (0). Số càng âm thì xương của bạn càng yếu và càng dễ bị gãy. Nếu T-score từ -1 đến -2.5, bạn thuộc nhóm thiếu xương. Nếu T-score là -2,5 hoặc thấp hơn (chẳng hạn như -3,0), bạn sẽ được chẩn đoán bị loãng xương.

Sau khi loãng xương được chẩn đoán, một số xét nghiệm khác có thể được chỉ định để tìm các nguyên nhân gây loãng xương thứ phát.

Cách điều trị loãng xương

Phương pháp dùng thuốc

Các thuốc sử dụng trong loãng xương được chỉ định dựa trên hai mục đích: điều trị và dự phòng. Chỉ định điều trị sẽ dành cho những bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc loãng xương. Chỉ định dự phòng dành cho các trường hợp thiếu xương và có nguy cơ cao gãy xương lớn do loãng xương trong vòng 10 năm tới.

Thuốc điều trị loãng xương khá đa dạng. Việc chỉ định thuốc nào sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính (do một số loại thuốc trị loãng xương được chấp thuận cho cả nam và nữ, trong khi một số loại chỉ được chấp thuận cho phụ nữ), tuổi, mức độ mất xương, sức khỏe tổng quát và nhu cầu cá nhân của từng người (chi phí, tần suất dùng thuốc, đường dùng…).

Thông thường, nhóm thuốc Bisphosphonates (vd: Alendronate, Risedronate, Ibandronate, Zoledronic acid) sẽ là lựa chọn đầu tay. Nhóm thuốc này giúp ức chế các hủy cốt bào có liên quan đến quá trình tiêu xương. Khi sử dụng nhóm thuốc này, người bệnh nên uống vào buổi sáng với nhiều nước, ít nhất 30 phút trước khi ăn và dùng thuốc khác, đồng thời bệnh nhân nên giữ tư thế thẳng đứng trong ít nhất 30 phút sau khi uống để ngăn ngừa viêm thực quản.

Ta sẽ xem xét nhóm thuốc khác không phải bisphosphonates (vd: Denosumab, Romosozumab, Teriparatide, Abaloparatide, Raloxifene,…) thay thế trong một số trường hợp nhất định hoặc là nhóm thuốc thứ hai nếu liệu pháp bisphosphonate không thành công hoặc không dung nạp. Việc phối hợp thuốc ngay từ đầu hiện không được khuyến khích.



Đã có nhiều thuốc hiệu quả trong điều trị loãng xương

Bổ sung canxi và Vitamin D

Canxi là khoáng chất thiết yếu cho cơ thể và đặc biệt là trong xây dựng cấu trúc xương. Khoảng 99% lượng canxi trong cơ thể nằm ở xương và răng. Đối với người trưởng thành, nhu cầu canxi thay đổi theo tuổi và giới. Mỗi người, đặc biệt là các bệnh nhân loãng xương cần nạp đủ nhu cầu canxi theo các thông số dưới đây:

  • Nữ từ 50 tuổi trở xuống: 1000mg/ngày
  • Nữ từ 51 tuổi trở lên: 1200mg/ngày
  • Nam từ 70 tuổi trở xuống: 1000mg/ngày
  • Nam từ 71 tuổi trở lên: 1200mg/ngày

Bên cạnh canxi, Vitamin D cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ xương, hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi. Trẻ em cần vitamin D để tạo xương chắc khỏe và người lớn cần vitamin D để giữ cho xương chắc khỏe. Do vậy, Vitamin D chắc chắn là thành phần không thể thiếu trong chăm sóc sức khỏe người bệnh loãng xương.

Theo Học viện Y khoa Quốc gia và Viện Y tế Quốc gia (National Academy of Medicine and National Institutes of Health), nhu cầu Vitamin D ở nam và nữ là tương tự nhau và chỉ thay đổi theo từng độ tuổi. Với người dưới 50 tuổi, nhu cầu Vitamin D là 400-800 IU/ngày. Với những người từ 50 tuổi trở đi, lượng Vitamin D cần trong một ngày là 800-1000IU.

Phương pháp không dùng thuốc

Người bệnh loãng xương nên ăn gì?

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng lên quá trình tạo xương và hủy xương. Những thực phẩm được chứng minh là tốt cho hệ thống xương khớp nói chung và trong bệnh lý loãng xương nói riêng sẽ cần có Canxi, vitamin D và một số chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Với nhu cầu hằng ngày của các chất kể trên, thường sẽ tương ứng với ba đến bốn phần sữa (động vật hoặc thực vật), phô mai, sữa chua… Nếu chế độ ăn của bạn không cung cấp đủ canxi và vitamin D, thực phẩm bổ sung có thể là cách để có được canxi và Vitamin D mà cơ thể cần.

Bên cạnh những chế phẩm từ sữa, các nghiên cứu gần đây cũng đã cho thấy người bệnh loãng xương nên ăn các thực phẩm như: dầu ô liu, đậu nành, quả việt quất và thực phẩm giàu omega-3, chẳng hạn dầu cá và dầu hạt lanh cũng có thể có lợi ích tăng cường xương. Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với hệ tim mạch.

Tập luyện

Tập luyện thể lực trong điều trị loãng xương có vai trò quan trọng trong việc củng cố sức mạnh xương, tăng khả năng chịu đựng và bảo trì hoạt động trơn tru của các khớp, cơ. Có hai nhóm bài tập thể chất được sử dụng bao gồm nhóm các bài tập chịu lực và nhóm các bài tập xây dựng cơ bắp.

Các bài tập chịu lực:

Bao gồm các bài tập di chuyển chống lại trọng lực trong khi vẫn đứng thẳng. Các bài tập chịu trọng lượng có thể có tác động lớn hoặc tác động nhỏ. Các bài tập chịu lực có tác động lớn giúp xây dựng xương và giữ cho xương chắc khỏe như nhảy dây, Jumping jacks, Aerobic cường độ cao, leo núi, múa, leo cầu thang, quần vợt.

Các bài tập chịu lực có tác nhỏ thấp cũng có thể giúp xương chắc khỏe và có thể là giải pháp thay thế an toàn nếu bạn không thể thực hiện các bài tập có tác động cao như bộ nhanh trên máy chạy bộ, đi trên máy bước cầu thang, Aerobic cường độ thấp.

Các bài tập xây dựng cơ bắp:

Bao gồm các bài tập di chuyển chống lại trọng lực hay một lực cản. Những bài tập này còn được biết đến rộng rãi là “bài tập kháng lực”. Một số bài tập trong nhóm này chẳng hạn như squat, lunges, nâng tạ, tập với máy, tập với dây co giãn,…

Phòng chống té ngã

Ở những bệnh nhân loãng xương, phòng chống té ngã là cực kỳ quan trọng và cần được lưu tâm nhiều hơn. Điều quan trọng nữa là tránh những chấn thương không chủ ý, đặc biệt là chấn thương cột sống (đốt sống), có thể xảy ra trong các hoạt động hàng ngày.



Tập thể dục rất cần thiết đối với bệnh nhân loãng xương

Cách phòng loãng xương

Để xây dựng xương chắc khỏe và phòng bệnh loãng xương, mọi người cần đảm bảo một số yếu tố sau:

  • Đảm bảo cung cấp đủ canxi và vitamin D. Đặt mục tiêu bổ sung 1000-1200mg canxi và 800-1000 IU vitamin D mỗi ngày, giải quyết mọi tình trạng thiếu vitamin D nếu có.
  • Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng, kết hợp cả bài tập rèn luyện sức mạnh và thăng bằng.
  • Tránh hoặc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ đã nêu trong bài viết như: hút thuốc, uống quá nhiều rượu và sử dụng glucocorticoid lâu dài… Bằng cách kết hợp các chiến lược này, bạn có thể cải thiện đáng kể sức khỏe xương của mình và giảm nguy cơ loãng xương.

Loãng xương là bệnh có phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Chẩn đoán và điều trị sớm cũng như áp dụng các thói quen tốt cho sức khỏe có thể giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh loãng xương, giảm đáng kể tỷ lệ tàn tật của người bệnh theo thời gian. Bài viết trên đây hy vọng đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh loãng xương. Hãy truy cập trang web của Nhà Thuốc Việt để nhận được nhiều tin tức hữu ích khác nhé!

Xem thêm: Hiểu về ung thư xương: dấu hiệu, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Nguồn tham khảo

https://www.bonehealthandosteoporosis.org/patients/what-is-osteoporosis/

https://www.osteoporosis.foundation/health-professionals/about-osteoporosis/epidemiology#:~:text=Worldwide%2C%20osteoporosis%20is%20estimated%20to,of%20women%20aged%2090%20%5B7%5D

Jeremiah MP, Unwin BK, Greenawald MH, Casiano VE. Diagnosis and Management of Osteoporosis. Am Fam Physician. 2015

Cosman F, de Beur SJ, LeBoff MS, et al. Clinician’s Guide to Prevention and Treatment of Osteoporosis. Osteoporos Int. 2014

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi