Gãy cổ xương đùi: Nguyên nhân & cách điều trị

Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Đại

Gãy cổ xương đùi là một chấn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, để phòng ngừa chấn thương do gãy cổ xương đùi gây ra, chúng ta cần hiểu hơn về chúng. Vì vậy, trong bài viết sau đây, Nhà Thuốc Việt sẽ cùng bạn tìm hiểu từ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết cho đến các biện pháp điều trị và phục hồi hiệu quả gãy cổ xương đùi. Bạn hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Gãy cổ xương đùi là gì? Cổ xương đùi nằm ở đâu?

Gãy cổ xương đùi (Femoral neck fracture) là tình trạng gãy xương tại vùng hông. Khớp hông bao gồm hai xương chính là xương đùi và xương chậu. Đây là khớp cầu xoay, giúp chân di chuyển linh hoạt, từ đi lại đến chạy nhảy. Khi hông bị gãy ở vùng giữa khớp cầu và đầu xương đùi, đó chính là gãy cổ xương đùi.

Gãy cổ xương đùi có thể kèm theo tổn thương sụn, dây chằng, và bề mặt khớp trong khớp hông. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các di chứng như thoái hóa khớp hông, hoại tử đầu xương đùi, đau hông mãn tính… Vì vậy, khi có dấu hiệu gãy cổ xương đùi, người bệnh cần được thăm khám và chẩn đoán chính xác để ngăn ngừa tổn thương lâu dài.

Gãy cổ xương đùi là một chấn thương nghiêm trọng

Gãy cổ xương đùi là một chấn thương nghiêm trọng

Nguyên nhân gãy cổ xương đùi

Gãy cổ xương đùi thường xảy ra do chấn thương, đặc biệt là khi ngã ở người cao tuổi. Những người trên 50 tuổi hoặc mắc các bệnh làm suy yếu xương như loãng xương có nguy cơ cao hơn. Ung thư xương cũng là một yếu tố nguy cơ. Ở người trẻ, nguyên nhân gãy cổ xương đùi thường do chấn thương mạnh như tai nạn xe hoặc ngã từ độ cao lớn. Trẻ em ít khi bị gãy cổ xương đùi, nhưng khi xảy ra thường là do chấn thương nghiêm trọng hoặc bệnh lý làm giảm mật độ xương như loãng xương hoặc thiếu xương. Một số tình trạng hiếm gặp như bại não hoặc loạn dưỡng cơ cũng làm tăng nguy cơ gãy xương, trong đó có gãy cổ xương đùi.

Ai có nguy nhiều cơ gãy cổ xương đùi?

Các lỗi trong tập luyện, như tăng đột ngột về cường độ hoặc số lượng bài tập, cũng như thử các động tác mới là yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến gãy cổ xương đùi. Đối với các vận động viên nữ, các bất thường nội tiết do tập luyện có thể gây vô kinh và chế độ ăn uống thiếu chất dễ dẫn đến mất khoáng chất xương, làm tăng nguy cơ chấn thương khớp. Ở nhóm đối tượng này cũng ghi nhận sự giảm nồng độ estrogen trong máu, có thể gây giảm khối lượng xương và dần dẫn đến mất xương không thể phục hồi, làm tăng nguy cơ gãy xương.

Dù hầu hết mọi người tham khảo thông tin trong bài viết này không phải là vận động viên và có thể không đạt được mức độ thể lực tối ưu, nhưng một số người lại ép mình vào mức độ tập luyện không phù hợp với khả năng. Thiếu sự linh hoạt, sức mạnh cơ bắp và sự phối hợp thần kinh cơ cũng góp phần vào chấn thương khi không được huấn luyện đúng cách.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như sự khác nhau về mặt cấu tạo cơ thể của nam và nữ (nữ gãy cổ xương đùi nhiều hơn nam), loãng xương, thiếu xương, điều kiện thể chất kém, các bệnh lý toàn thân làm mất khoáng chất của xương, hoặc bất động kéo dài, có thể làm cho xương đùi yếu và dễ bị nứt gãy khi chịu áp lực hơn.

Phân loại các kiểu gãy xương đùi

Trong một số trường hợp, cổ xương đùi không gãy hoàn toàn hoặc các cơ khỏe ở đùi vẫn giữ các mảnh vỡ lại với nhau. Người ta thường chia giai đoạn gãy cổ xương đùi theo phân loại sau đây Garden để định hướng điều trị và tiên lượng phục hồi cho người bệnh. Phân loại gãy cổ xương đùi theo Garden bao gồm:

  • Độ 1: gãy dạng cài nhau, không di lệch, không cắt ngang qua vỏ xương trong, vì vậy được coi là gãy không hoàn toàn.
  • Độ 2: gãy hoàn toàn, nhưng với sự di lệch tối thiểu hoặc không có di lệch.
  • Độ 3: gãy di lệch một phần, đầu xương đùi vẫn còn tiếp xúc với cổ xương đùi.
  • Độ 4: gãy di lệch hoàn toàn, và không có sự tiếp xúc giữa đầu xương đùi và cổ xương đùi, đầu xương tự do trong ổ cối.

Bốn giai đoạn này có thể được đơn giản hóa thành không di lệch (loại I và II) và di lệch (loại III và IV), xếp hạng từ ổn định nhất đến kém ổn định nhất và thường được sử dụng để định hướng phương pháp điều trị.

Dấu hiệu gãy cổ xương đùi

Sau một chấn thương, các triệu chứng của gãy cổ xương đùi mà bạn có thể gặp bao gồm:

  • Đau: có thể đau khu trú ở háng hoặc lan xa đến đầu gối, tăng lên khi dồn trọng lượng lên chân hoặc cố để xoay chân. Trong trường hợp gãy không hoàn toàn, người bệnh có thể chỉ đau mơ hồ.
  • Chân bị ảnh hưởng ngắn lại hoặc xoay ngang với đầu gối và lòng bàn chân hướng ra ngoài.
  • Tăng đau ở hông khi xoay chân
  • Sưng ở bên hông, bầm da

Biến chứng của gãy cổ xương đùi

Biến chứng cấp tính

Các biến chứng cấp tính do gãy cổ xương đùi có thể nguy hiểm đến tính mạng và đòi hỏi hỗ trợ y tế ngay lập tức. Chúng bao gồm: sốc mất máu, sốc do đau, thuyên tắc mỡ (mỡ từ ổ gãy trôi trong máu có nguy cơ làm tắc các mạch máu quan trọng của cơ thể).

Gãy cổ xương đùi có thể gây đau đớn dữ dội

Gãy cổ xương đùi có thể gây đau đớn dữ dội

Chấn thương mô mềm xung quanh cổ xương đùi

Gãy cổ xương đùi có thể làm tổn thương các tổn thương mô mềm như sụn, dây chằng ở hông và để lại những ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Khi ngã vào hông, sụn trong khớp hông có thể bị rách, dẫn đến ma sát tăng và mòn sụn quá mức, cuối cùng là thoái hóa khớp hông. Các phương pháp chẩn đoán truyền thống như X-quang thường không phát hiện được những tổn thương này; chỉ có các kỹ thuật hiện đại như nội soi khớp hông và MRI mới có thể giúp phát hiện chính xác.

Biến chứng do nằm lâu

Ở người cao tuổi, biến chứng của gãy cổ xương đùi thường xảy ra trọng trong quá trình hồi phục. Việc giảm khả năng di chuyển và sự độc lập khiến người bệnh phải nằm nhiều, dẫn đến suy giảm về thể chất và tinh thần. Thêm vào đó, việc nằm lâu còn dễ dẫn đến các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch chi dưới, huyết khối động mạch phổi, loét tỳ đè, nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu), teo cơ, và suy dinh dưỡng. Tỷ lệ tử vong ở người già do các biến chứng này cũng cao hơn so với người trẻ.

Hoại tử chỏm xương đùi

Khi gãy cổ xương đùi, mạch máu có thể bị tổn thương, làm gián đoạn dòng chảy máu tới chỏm xương đùi. Nếu máu không thể tới nuôi dưỡng, mô xương sẽ chết dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi.

Đau mãn tính

Nếu gãy cổ xương đùi được điều trị ngay sau khi ngã, bác sĩ thường có thể ngăn chặn sự tiến triển mãn tính và thoái hóa khớp hông nghiêm trọng. Trong trường hợp điều trị muộn, chức năng của khớp hông sẽ có khả năng đã bị suy giảm, biểu hiện lúc đầu là đau hông chỉ xuất hiện khi chịu áp lực, sau đó đau trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày và trở nên mãn tính.

Biến chứng phẫu thuật

Biến chứng sau phẫu thuật gãy cổ xương đùi hiếm nhưng có thể xảy ra. Những rủi ro dài hạn bao gồm xương không lành đúng cách hoặc không liền xương, khớp giả (do mô xơ tạo thành), thiết bị cấy ghép gây đau, và viêm khớp. Việc thay khớp cũng có thể gặp các vấn đề như trật khớp, gãy xương, và chênh lệch chiều dài chân. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật thêm để khắc phục.

Hình ảnh khớp giả trong gãy cổ xương đùi

Hình ảnh khớp giả trong gãy cổ xương đùi

Khi nào cần thăm khám gãy cổ xương đùi?

Khi bị ngã và cảm thấy đau ở khớp hông, bạn nên đến bác sĩ để được đánh giá và điều trị kịp thời. Đôi khi, gãy cổ xương đùi không làm bạn không thể đi lại ngay lập tức và bạn sẽ cần sự trợ giúp từ những người xung quanh. Trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể di chuyển ở một mức độ vừa phải và chân có thể chỉ bị xoay nhẹ với mức đau không đáng kể vì các dây chằng và cơ bắp mạnh mẽ trong hông giữ chặt các mảnh xương. Để xác định chính xác vị trí gãy xương, cần phải được khám thực thể và chụp X-quang bởi bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.

Điều trị gãy cổ xương đùi

Phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại gãy xương, tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, sự phát triển cơ bắp, cân nặng, tuổi sinh học và các bệnh lý nền như loãng xương. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của bác sĩ về cách tiếp cận điều trị tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể.

Gãy cổ xương đùi có nên mổ không?

Trong phần lớn các trường hợp, phẫu thuật chỉnh hình sẽ được bác sĩ khuyến nghị hơn so với điều trị bảo tồn không can thiệp. Mục tiêu của phẫu thuật gãy cổ xương đùi là nhanh chóng ổn định vết gãy và tránh cho người bệnh, thường là người cao tuổi, phải nằm bất động trong thời gian dài. Tùy thuộc vào vị trí gãy, bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật cố định xương (osteosynthesis) bằng các tấm kim loại và ốc vít hoặc thay thế cổ xương đùi bằng khớp hông nhân tạo (phương pháp TEP hông).

Phương pháp cố định xương trong phẫu thuật gãy cổ xương đùi

Phương pháp cố định xương trong phẫu thuật gãy cổ xương đùi

Điều trị bảo tồn gãy cổ xương đùi

Trong những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc tổn thương rất nhẹ, bác sĩ có thể chọn phương pháp điều trị bảo tồn gãy cổ xương đùi. Điều này bao gồm việc tránh tạo áp lực lên vết gãy bằng cách nghỉ ngơi tại giường với chân bị tổn thương ở vị trí đặc biệt. Sau khi vết gãy hồi phục, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Quá trình theo dõi người bệnh điều trị bảo tồn đòi hỏi phải chụp X-quang thường xuyên để theo dõi.

Có thể thấy, mặc dù các phương pháp điều trị bảo tồn dường như tránh được các rủi ro phẫu thuật nhưng chúng không phải là không có rủi ro. Vị trí gãy xương có thể di chuyển lại trong quá trình hồi phục (trật khớp), một khớp giả có thể hình thành. Người bệnh lớn tuổi có thể bị loét do nằm lâu. Trong quá trình hồi phục, xương vẫn có thể bị chết gây hoại tử chỏm xương đùi nếu nguồn cung cấp máu đến xương trong khớp hông bị gián đoạn. Vì những lý do trên, chỉ định điều trị bảo tồn gãy cổ xương đùi thực sự hạn chế và hiếm được sử dụng trên thực tế..

Chăm sóc sau phẫu thuật gãy cổ xương đùi

Chăm sóc sau phẫu thuật gãy cổ xương đùi là yếu tố then chốt trong quá trình hồi phục. Tùy vào loại gãy xương và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, chuyên gia sẽ xây dựng một kế hoạch điều trị và vận động phù hợp. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn về tải trọng tối đa mà khớp có thể chịu đựng, từ đó quyết định bạn có thể tự đi lại hay cần công cụ hỗ trợ. Nếu bệnh nhân có thể trạng tốt, họ có thể bắt đầu đi những bước đầu tiên sớm hơn.

Khả năng chịu trọng lượng có thể được chia thành chịu một phần hoặc toàn phần, tùy thuộc vào loại phẫu thuật. Bệnh nhân trẻ tuổi điều trị bằng kỹ thuật cố định xương thường được khuyến nghị chịu trọng lượng một phần trong tối đa sáu tuần. Trong các trường hợp khác, cần thiết bị hỗ trợ như khung đi bộ hoặc gậy trong thời gian ngắn.

Vật lý trị liệu rất quan trọng để giúp bạn phục hồi dáng đi bình thường. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn các bài tập tăng cường cơ bắp, kéo giãn và cải thiện sức bền. Để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng, bạn cần duy trì thực hiện các bài tập đã học tại nhà. Ngoài ra, các bài tập giúp này cũng giúp phòng ngừa huyết khối và duy trì cơ bắp.

Để ngăn ngừa cục máu đông, bạn có thể sẽ được kê thuốc làm loãng máu, kết hợp với việc đi lại sớm để kích thích trao đổi chất. Thuốc giảm đau sau phẫu thuật cũng sẽ được sử dụng, với mục tiêu dần chuyển sang các loại thuốc không chứa chất gây nghiện (không opioid) nhằm kiểm soát cơn đau một cách an toàn.

Vật lý trị liệu sau gãy cổ xương đùi giúp người bệnh khôi phục dáng đi

Vật lý trị liệu sau gãy cổ xương đùi giúp người bệnh khôi phục dáng đi

Gãy cổ xương đùi bao lâu lành?

Thời gian lành thương sau khi bị gãy cổ xương đùi sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy, tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn và loại phẫu thuật được sử dụng. Quá trình phục hồi khác nhau đối với mỗi người.

Thông thường, sau phẫu thuật gãy cổ xương đùi, người bệnh cần mất khoảng 3 tháng để lành hoàn toàn. Người bệnh trẻ tuổi lành vết thương nhanh hơn một chút và người bệnh lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh tiểu đường mất nhiều thời gian hơn để lành vết thương.

Phòng ngừa gãy cổ xương đùi

Rèn luyện thể chất

Người cao tuổi có thói quen rèn luyện thể chất thường xuyền, thể lực tốt thường ngã mà không có hậu quả gì đáng kể. Do đó, biện pháp phòng ngừa tốt nhất chống lại chấn thương hông, đùi là hoạt động thể chất thường xuyên và cơ bắp hông được rèn luyện tốt. Các hoạt động rèn luyện cũng đồng thời giảm tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch, chuyên hóa và phòng ngừa loãng xương.

Kiểm soát bệnh nền và đảm bảo thị lực tốt

Đối với người cao tuổi, đặc biệt quan trọng là phải tính đến các bệnh nền có thể gây ngã. Các nguyên nhân phổ biến là vấn đề tim mạch và chóng mặt. Bạn cũng nên kiểm tra thị lực thường xuyên, vì thị lực tốt giúp bạn nhìn thấy chướng ngại vật và có thể ngăn ngừa ngã gây gãy cổ xương đùi.

Chế độ ăn tốt cho xương

Những dưỡng chất cần thiết để xây dựng bộ xương khỏe mạnh sẽ gồm có: protein (có trong thịt, cá, sữa, phô mai, hạt, đậu và ngũ cốc) giúp xây dựng xương mới và hấp thụ canxi; canxi (có trong sữa, rau xanh, cá hộp) giúp xương chắc khỏe; vitamin D (có trong cá, dầu gan cá, lòng đỏ trứng, sữa bổ sung) hỗ trợ hấp thụ canxi; vitamin C (có trong trái cây họ cam quýt, cà chua, rau xanh) giúp tạo collagen; sắt (có trong thịt đỏ, cá, trứng, rau xanh) ngăn ngừa thiếu máu làm chậm quá trình lành xương; và kali (có trong chuối, khoai tây, hạt, sữa) giảm mất canxi qua nước tiểu.

Tránh thuốc lá và rượu

Kiêng rượu và nicotine trong khói thuốc lá được khuyến khích vì lợi ích của mật độ xương tốt cũng như tránh không tốt cho sức khỏe tổng quát của bạn.

Thiết bị hỗ trợ dành cho người cao tuổi

Các thiết bị phù hợp với tuổi, tay vịn trong phòng tắm và các dụng cụ hỗ trợ như gậy và công cụ cầm nắm làm giảm nguy cơ ngã gây gãy cổ xương đùi người già.

Thiết bị hỗ trợ đi lại giúp phòng gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi

Thiết bị hỗ trợ đi lại giúp phòng gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi

Kết luận

Gãy cổ xương đùi là một chấn thương phức tạp và có thể để lại nhiều di chứng, giảm đi chất lượng sống sau này của người bệnh. Việc hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu để thăm khám và điều trị sớm giúp người bệnh là điều quan trọng cấp thiết để giúp họ có thể sớm vượt qua đau đớn, giảm thiểu di chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn và người thân nắm bắt kiến thức cần thiết về gãy cổ xương đùi. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn, đừng ngần ngại liên hệ với Nhà Thuốc Việt để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Thông tin liên hệ:

Địa chỉ:

  • Nhà Thuốc Việt số 1: 596 Nguyễn Chí Thanh, Phường 7, Quận 11, Tp.HCM
  • Nhà Thuốc Việt số 2: 979 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM

Hệ thống Nhà Thuốc Việt luôn sẵn sàng phục vụ và đồng hành cùng bạn để tìm ra giải pháp phù hợp nhất với bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Tài liệu tham khảo

https://www.joint-surgeon.com/orthopedic-services/hip-surgery/femoral-neck-fracture

https://ota.org/for-patients/find-info-body-part/3835#/+/0/score,date_na_dt/desc/

Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi