Chế độ dinh dưỡng cho người mắc covid khi điều trị tại nhà

Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng, giảm nhẹ triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị, tăng hiệu quả điều trị covid. Sau đây, cùng tìm hiểu chế độ dinh dưỡng cho người mắc covid khi điều trị tại nhà nhé.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người nhiễm COVID -19

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người nhiễm COVID -19 trưởng thành

Nhu cầu năng lượng
Năng lượng 30-35 kcal/kg cân nặng/ngày, chất đạm 15-20% tổng năng lượng, nhu cầu chất béo 20-25% tổng năng lượng, chất đường bột 50 -65% tổng năng lượng.
Vitamin và khoáng chất
Người nhiễm COVID-19 cần được cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất theo lứa tuổi. Đặc biệt tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E; các thực phẩm giàu kẽm và selen. Rau xanh 300g/ngày, hoa quả 200g/ngày. Chất xơ cung cấp 18-20g/ ngày. Muối 5g/ngày.
Uống nhiều nước
Người nhiễm COVID – 19 cần uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày), nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát. Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả. Người bệnh có sốt nên uống Orezol để bù nước và điện giải.

Nguyên tắc dinh dưỡng đối với trẻ em nhiễm COVID -19

Chế độ ăn cân đối
Chế độ ăn cân đối với 4 yếu tố chính: lipid (lipid động vật và lipid thực vật), vitamin và khoáng chất, thành phần các chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate), protein (protein động vật và thực vật). Trẻ phải ít nhất có 1 bữa ăn trong ngày có cân đối khẩu phần.
Hàng ngày phải ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).
Cung cấp đủ nước, đặc biệt nước trái cây tươi, tránh uống nước ngọt công nghiệp. Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <5% tổng năng lượng ăn vào). Hạn chế ăn mặn.
Tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.
Cho trẻ uống sữa
Khuyến khích cho trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ >2 tuổi 500ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất). Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.
Theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ
Cần theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ định kỳ để xác định xem trẻ có khả năng sẽ bị suy dinh dưỡng cấp nặng không: Theo dõi cân nặng định kỳ cho trẻ, nếu có thể được 3-5 ngày/lần. Nếu trẻ có sụt cân từ 1-2%/1 tuần cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn thích hợp.
Đánh giá biểu hiện đường tiêu hóa hàng ngày như chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng bởi chúng sẽ làm suy giảm lượng thức ăn và giảm hấp thụ. Theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào/ngày. Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào <70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cần được tư vấn cụ thể bởi nhân viên y tế.
Lưu ý: Người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm như: Mỡ động vật, phủ tạng động vật. Các thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối…). Các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt. Các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

Những thực phẩm bệnh nhân COVID-19 nên dùng khi điều trị tại nhà

Trong chế độ dinh dưỡng của người nhiễm COVID-19 nên ưu tiên một số thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao thể trạng. Cụ thể là các thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E; Selen, kẽm, Omega 3…

Vitamin A

Vitamin A có tác dụng duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc. Nguồn thực phẩm giàu vitamin A gồm: Gan, lòng đỏ trứng, cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, xoài, bông cải xanh, rau cải bó xôi.

Vitamin C

Vitamin C tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp. Vitamin C có nhiều trong trái cây và rau tươi như: Bưởi, cam, chanh, kiwi, ổi, dâu tây, đu đủ, ớt chuông…

Vitamin D

Vitamin D giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Do vậy, ngoài việc tiếp xúc với ánh nắng 15-30 phút mỗi ngày (ở trong phòng thoáng, có cửa sổ có ánh nắng mặt trời), người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như cá, lươn, trạch, sữa, lòng đỏ trứng và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)…

Vitamin E

Vitamin E thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch. Nguồn thực phẩm giàu vitamin E là các sản phẩm từ đậu nành, giá đỗ, rau mầm…

Selen

Selen là chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng. Selen có nhiều trong gạo lức, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, cá, tôm, rong biển…

Kẽm

Kẽm có tác dụng điều hoà miễn dịch, điều hoà các phản ứng viêm. Người bệnh nên dùng các loại thực phẩm giàu kẽm như: Các loại thịt gia cầm, thịt bò, lòng đỏ trứng, các loại động vật có vỏ và hải sản như hàu, sò. Các loại hạt đậu,vừng…

Omega 3

Omega 3 giúp cải thiện hệ miễn dịch, chống viêm. Omega 3 có nhiều trong các loại cá như: cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu, dầu gan cá…
Trên đây là chế độ dinh dưỡng cho người mắc covid khi điều trị tại nhà. Hi vọng những chia sẻ này của chúng tôi sẽ hữu ích với các bạn trong giai đoạn dịch bệnh đang căng thẳng này nhé.
Xem thêm:
Đánh giá post

Bài viết khácXem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi