Thành phần
– Hoạt chất:
+ Vitamin A 5000IU
+ Vitamin D3 500IU
– Tá dược vừa đủ 1 viên: Dầu đậu nành, glycerin, gelatin, nipasol.
Vitamin AD OPC
Chỉ định
– Phòng và điều trị tình trạng thiếu vitamin A, D trong các trường hợp: trẻ em còi xương do dinh dưỡng; còi xương do chuyển hóa; Rối loạn phát triển cơ thể: khô mắt, quáng gà; Một số bệnh về da: trứng cá, vảy nến.
– Phòng và điều trị loãng xương, nhuyễn xương.
Chống chỉ định
– Không dùng cho người bệnh thừa vitamin A, tăng calci máu, suy chức năng gan và thận hoặc nhiễm độc vitamin D. Không dùng cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Liều dùng
– Phòng bệnh: Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: uống mỗi ngày 1 viên. Trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú : theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
– Điều trị: Theo sự chỉ định của Thầy thuốc.
Tác dụng phụ
– Khi dùng liều cao dài ngày hay khi uống phải một liều rất cao có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A, D: mệt mỏi, dễ bị kích thích, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hoá calci…. Phải ngừng dùng thuốc, điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Thận trọng
– Thận trọng khi phối hợp với các thuốc có vitamin A, D.
– Không dùng liều cao hàng ngày cho phụ nữ có thai và cho con bú.
– Thời kỳ mang thai:
+Không nên sử dụng vitamin D với liều lớn hơn liều bổ sung hằng ngày đã được khuyến cáo cho người mang thai bình thường (400IU). Nếu khẩu phần ăn không đủ vitamin D hoặc thiếu tiếp xúc với bức xạ tử ngoại, nên bổ sung vitamin D tới liều đã được khuyến cáo cho người mang thai bình thường trong thời kỳ mang thai.
+ Tránh dùng vitamin A hay các chế phẩm tổng hợp cùng loại như isotretinoin với liều cao cho phụ nữ có thai vì vitamin A liều cao ( 10.000IU/ngày) có khả năng gây quái thai.
– Thời kỳ cho con bú:
+ Vitamin D tiết vào sữa, vì vậy không nên dùng vitamin D với liều lớn hơn liều bổ sung hằng ngày đã được khuyến cáo cho người cho con bú. Nên dùng vitamin D phụ thêm, nếu khẩu phần ăn không đủ vitamin D hoặc thiếu tiếp xúc với bức xạ tử ngoại.
+ Vitamin A có trong sữa mẹ. Khi cho con bú, các bà mẹ cần dùng hàng ngày 4000 – 4330IU vitamin A.
Tương tác thuốc
– Không dùng với dầu parafin vì dầu này ngăn cản hấp thu vitamin A, D qua ruột.
– Không nên dùng đồng thời với corticosteroid vì corticosteroid cản trở tác dụng của vitamin D.
– Không nên dùng đồng thời với các glycosid trợ tim và độc tính của glycosid trợ tim tăng do tăng calci huyết, dẫn đến loạn nhịp tim.
– Không nên dùng đồng thời với phenobarbital hoặc phenitoin vì những thuốc này làm tăng chuyển hóa vitamin D thành những chất không có hoạt tính.
– Neomycin làm giảm hấp thu vitamin A.
– Các thuốc tránh thai làm tăng nồng độ vitamin A trong huyết tương.
Quá liều
Ðiều trị nhiễm độc vitamin D
– Ngừng thuốc, ngừng bổ sung calci, duy trì khẩu phần ăn có ít calci, uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Nếu cần, có thể dùng corticosteroid hoặc các thuốc khác, đặc biệt thuốc lợi tiểu tăng thải calci. Có thể sử dụng lọc máu thận nhân tạo hoặc thẩm tách màng bụng để thải calci tự do ra khỏi cơ thể. Nếu ngộ độc vitamin D cấp, vừa mới uống, thì có thể ngăn ngừa tiếp tục hấp thu vitamin D bằng gây nôn hoặc rửa dạ dày. Nếu thuốc đã qua dạ dày, điều trị bằng dầu khoáng có thể thúc đẩy thải trừ vitamin D qua phân.
Ðiều trị nhiễm độc vitamin A
– Ngộ độc mạn tính: Dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A. Các triệu chứng đặc trưng là: mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sút cân, nôn, rối loạn tiêu hóa… Khi ngừng dùng vitamin A thì các triệu chứng cũng mất dần nhưng xương có thể ngừng phát triển do các đầu xương dài đã cốt hóa quá sớm.
– Ngộ độc cấp: Uống vitamin A liều rất cao dẫn đến ngộ độc cấp với các dấu hiệu buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, ỉa chảy…. Các triệu chứng xuất hiện sau khi uống từ 6 đến 24 giờ.
– Phải ngừng dùng thuốc. Ðiều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
Đóng gói
– Viên nang mềm.
– Hộp 4 vỉ x 10 viên.
Thương hiệu
Dược phẩm OPC
Nơi sản xuất
Việt Nam